Kinh tế

Trồng cây vụ Đông mang lại thu nhập khá cho người nông dân ở Bắc Mê

06/01/2017 00:00 128 lượt xem

Huyện Bắc Mê không có lợi thế về địa hình để mở rộng diện tích cây trồng vụ Đông (VĐ). Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người dân ở địa phương đã thay đổi tư duy canh tác, khắc phục khó khăn để sản xuất thêm cây VĐ. Nhờ đó diện tích cây trồng VĐ đã tăng lên rõ rệt và mang lại thu nhập khá.

Những năm gần đây, diện tích cây VĐ ở huyện Bắc Mê dao động khoảng 560 ha. Diện tích chủ yếu trồng tập trung tại các xã như: Yên Định, Minh Ngọc, Yên Phong, Phú Nam và thị trấn Yên Phú. Để cây VĐ mang lại hiệu quả kinh tế, các xã, thị trấn trong huyện đều căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để lựa chọn cơ cấu giống, áp dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp. Các địa phương đều chú trọng trồng một số loại cây như: súp lơ, xu hào, bắp cải, cà chua… Do luôn đảm bảo khung thời vụ nên sản lượng cũng như chất lượng các loại cây trồng ở Bắc Mê đảm bảo kế hoạch đề ra. Nhờ đó, việc sản xuất rau màu VĐ hiện đã trở thành vụ chính mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều nông dân.

Phú Nam là một trong những địa phương có truyền thống trồng cây VĐ sớm ở Bắc Mê. Để khuyến khích, vận động người dân sản xuất cây VĐ; từ năm 2015 đến nay, người dân hoàn toàn tự giác đầu tư, chủ động gieo trồng. Từ sản xuất VĐ, thu nhập của người dân được cải thiện hơn, đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo vươn lên khá giả trong thôn. Ông Nguyễn Ngọc Trung, Chủ tịch UBND xã Phú Nam cho biết: Việc trồng cây VĐ bám sát vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của xã cũng như nghị quyết của HĐND của huyện. Qua các cuộc giao ban, xã chỉ đạo tăng cường công tác trồng cây VĐ, tập trung vào rau và các cây màu ngắn ngày, thâm canh, tăng vụ để có hiệu quả cao hơn. Khoảng tháng 10, tháng 11, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, các hộ sẽ chuẩn bị sẵn đất để trồng cây VĐ.

Chị Nguyễn Thị Xuyên, thôn Tắn Khâu, xã Phú Nam chia sẻ: Đã 7 năm nay, thu nhập chính của gia đình tôi là từ cây rau màu nên ngay sau khi gặt xong gia đình tôi đã bắt tay làm ngay vụ mới. Ngay từ đầu vụ, bà con địa phương chúng tôi đã được cán bộ kỹ thuật phổ biến, hướng dẫn về khung lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật. Thông thường, VĐ gia đình tôi trồng được 2 đợt rau, trong đó 1 đợt tôi trồng: bắp cải 1.500 cây, xúp lơ 1.500 cây; hàng năm, cho thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng. Hiện tại, người dân trong thôn chúng tôi vẫn tiếp tục gieo trồng các cây VĐ ưa lạnh. Còn anh Nguyễn Văn Đẹp, thôn Nà Quạc, xã Phú Nam chia sẻ: Gia đình tôi trồng rau đến nay đã 18 năm; nếu như: 1.000m2 đất trồng ngô, lúa cũng chỉ bảo đảm được lương thực cho gia đình; nhưng 1.000m2 trồng rau, gia đình tôi thu hơn 40 triệu đồng. Sản xuất cây VĐ đã giúp cho nhiều hộ dân trong thôn có của ăn của để.


Cây rau vụ Đông của gia đình Chị Nguyễn Thị Xuyên, thôn Tắn Khâu, xã Phú Nam

Ông Trần Văn Tưởng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Tính đến 20.11.2016, toàn huyện gieo trồng được 92,5 ha cây ngô; 20 ha khoai lang; 18 ha khoai tây và rau, đậu các loại đã gieo trồng được 395 ha. Cho đến nay, hầu hết diện tích trồng các cây VĐ các loại đều đã đạt và vượt. Sản xuất VĐ không chỉ góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Mê đạt 1,65 lần mà còn góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân. Đồng thời, sản xuất VĐ cũng tạo bước đột phá về chuyển đổi mùa vụ, hình thành tập quán sản xuất hàng hóa đối với người nông dân.

Để cây trồng VĐ phát triển bền vững, trong những năm tới, huyện Bắc Mê sẽ tiếp tục khuyến khích bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đưa những loại cây trồng cho giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường vào sản xuất. Đồng thời huyện sẽ thực hiện liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ để mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho bà con nông dân.


Tin khác

Thống kê truy cập