Kinh tế

Nuôi trâu, bò nhốt - hướng đi mới ở Bắc Mê

13/10/2015 00:00 368 lượt xem

Bắc Mê là huyện còn nhiều khó khăn, người dân từ lâu đã có tập quán quen chăn nuôi trâu, bò. Thời gian gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là nguồn hỗ trợ của Nhà nước trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; mô hình trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt đã đem lại cho người dân nơi đây nguồn lợi không nhỏ.

Đến thôn Cụm Nhùng, xã Phiêng Luông, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Bí thư Chi bộ thôn Cụm Nhùng cho biết, cách đây khoảng 7 - 8 năm trở về trước, trong thôn chỉ có vài hộ gia đình thực hiện chăn nuôi trâu, bò nhốt và đem lại hiệu quả kinh tế, cho thu nhập ổn định. Dần dần, người dân trong thôn tự học hỏi kinh nghiệm của nhau rồi đầu tư phát triển chăn nuôi. Đến nay, 65 hộ trong thôn, nhà nào cũng có chuồng trại, nuôi trâu, bò nhốt. Tổng số trâu, bò của thôn hiện đã lên đến 145 con; trung bình mỗi hộ có từ 2 - 3 con trâu, bò. Tiếp chuyện chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn cho biết thêm: Việc trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò được các hộ trong thôn chú trọng, nhà nuôi nhiều nhất là 15 con trâu, bò. Gia đình ông Thào Phái Lềnh, thôn Cụm Nhùng, xã Phiêng Luông là một trong những hộ có thu nhập ổn định nhất từ việc trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt và là người đi đầu trong việc thực hiện cho nuôi rẽ và mua trâu, bò gầy về nuôi vỗ béo của thôn Cụm Nhùng. Ba năm trở lại đây, từ việc duy trì đàn gia súc từ 13 - 15 con/năm, trừ mọi chi phí như: Tiêm phòng, gia cố chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ và thuê người chăm sóc cho đàn gia súc, hàng năm gia đình ông Lềnh có thu nhập ổn định từ 60 - 70 triệu đồng. Là hộ triển khai nuôi trâu, bò nhốt sớm nhất của thôn, ông Lềnh tâm sự: Gia đình tôi thực hiện nuôi trâu, bò nhốt từ năm 2004, hàng năm bán những con trâu, bò to có lãi, gia đình lại mua những con gầy về nuôi vỗ béo. Để cho chúng phát triển ổn định, hàng ngày gia đình luôn chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng theo định kỳ, đặc biệt là phòng, chống đói, rét vào mùa Đông.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình này, đến nay nhiều hộ gia đình ở xã Phiêng Luông đã đầu tư nuôi trâu, bò nhốt. Từ việc phát triển chăn nuôi trâu, bò, nhiều hộ dân ở đây có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Cử Nhìa Phứ, Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Luông kể lại: Trước đây, bà con thường nuôi trâu, bò với số lượng ít, mỗi hộ chỉ có khoảng từ 1 - 2 con và thường chăn thả rông. Từ khi chuyển sang nuôi trâu, bò nhốt đến nay, nhà ít cũng 3 - 4 con,  nhiều nhà đầu tư nuôi  từ 15 - 20 con. Trong thôn cũng đã đề ra hương ước “một con trâu, bò ăn một gốc cây lúa hoặc cây ngô đều bị phạt 3kg lúa, ngô”. Từ đó, trong thôn không còn hộ nào chăn thả rông nữa. Đặc biệt, nuôi trâu, bò nhốt lấy công làm lãi, không tốn kém nhiều về kinh tế, không mất công đi chăn thả, người nuôi chỉ cần đầu tư một lần và thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho gia súc.

Tính đến nay tổng đàn trâu, bò của huyện đã lên tới trên 25.400 con, tỷ lệ tăng đàn năm sau luôn cao hơn năm trước. Nói về phương hướng của huyện trong việc đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa trên địa bàn, đồng chí Triệu Trung Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cỏ, tiến hành tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, duy trì phát triển tăng đàn. Thời gian tới, huyện mở rộng chợ gia súc trên địa bàn các xã, thu hút thương lái đến giao lưu, trao đổi, buôn bán; phấn đấu là huyện động lực về phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt trên địa bàn huyện Bắc Mê đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, thay đổi được tập quán từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Đây là hướng đi mới giúp cho nhiều hộ dân thực sự thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

 


Tin khác

Thống kê truy cập