Kinh tế

Bắc Mê đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc

16/09/2015 00:00 542 lượt xem

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn thức ăn tự nhiên thích hợp cho phát triển chăn nuôi, những năm qua, huyện Bắc Mê luôn xác định, ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, thì phát triển chăn nuôi đại gia súc cũng là một trong những hướng đi giúp nhân dân trên địa bàn huyện vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn toàn huyện là gần 69.300 con, trong đó, đàn trâu là trên 17.800 con, đàn bò gần 7.100 con, đàn dê là 17.480 con, đàn lợn là 25.800 con. Từ mục tiêu, kế hoạch của Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Mê đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển đàn trâu, bò, như: đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc sinh sản; khuyến khích các hộ có điều kiện tốt nên phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, hợp tác xã. Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, ưu tiên hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo vay vốn mua gia súc, duy trì diện tích cỏ tự nhiên hiện có, khuyến khích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi… Nhờ có sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, sự năng động của các hộ dân, đến nay huyện Bắc Mê có nhiều trang trại chăn nuôi có hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điển hình trong phát triển chăn nuôi đại gia súc phải kể đến xã Minh Ngọc. Những năm qua, để người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xã Minh Ngọc đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng chuồng trại, vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi cho bà con nhân dân. Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển các loại cây lương thực, giúp người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, nhất là trong mùa đông giá rét. Đến nay, tổng đàn trâu của xã có 1.520 con, đàn bò 128 con; đàn lợn 2.889 con; đàn dê 1.240 con, đàn gia cầm 15.870 con, đàn nhím có 25 con.

Đến thăm gia đình anh Bế Văn Bằng, thôn Nà Sài, xã Minh Ngọc đúng vào lúc anh đang chăm sóc đàn trâu. Gia đình anh được nhiều người biết đến là một trong những hộ khá giả nhất thôn bởi hiện tại gia đình anh có tới 10 con trâu, tổng giá trị đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay là cả một quãng thời gian dài gây dựng cơ nghiệp. Trước đây, gia đình Bằng rất nghèo, sau khi lập gia đình ra ở riêng, nhận thấy lợi thế đồi rừng của địa phương thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, anh Bằng đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện đầu tư mua 2 con trâu cái. Ngoài chăn nuôi đại gia súc, gia đình anh còn nuôi dê, lợn thịt và gia cầm.


Anh Bế Văn Bằng, đang chăm sóc đàn trâu của nhà mình.

Ông Đặng Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Nhằm giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, huyện đã có chủ trương, kế hoạch đề ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Xác định, dù đi theo hướng nào cũng phải phù hợp với tiềm năng cũng như lợi thế của địa phương. Bởi thế, cùng với việc tích cực sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, UBND huyện cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ký kết ủy thác vay vốn qua các ngân hàng hỗ trợ người dân mua con giống phát triển chăn nuôi, trồng trọt; vận động nhân dân đầu tư vốn phát triển kinh tế hộ, tập trung vào chăn nuôi đại gia súc, xóa bỏ tập quán thả rông; tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề do Trung tâm Dạy nghề huyện phối hợp tổ chức... Thông qua cách làm này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

Từ những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Mê đã có những giải pháp cụ thể, nhằm xây dựng một nền móng vững chắc cho phát triển chăn nuôi. Đó là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi. Bởi chỉ có thay đổi tư duy và phương thức chăn nuôi lạc hậu, manh mún bằng việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và mở rộng quy mô chăn nuôi mới có thể giúp người dân dần hướng tới một nền chăn nuôi theo hướng hàng hóa.


Tin khác

Thống kê truy cập