Thông tin tuyên truyền

Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp huyện Bắc Mê năm 2018

17/04/2018 00:00 109 lượt xem

Ngày 16/4, UBND huyện Bắc Mê ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực Nông nghiệp huyện Bắc Mê năm 2018 (Kế hoạch số 104/KH-UBND). Nội dung chủ yếu như sau:

Thực hiện Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 20/3/2018 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018, UBND huyện Bắc Mê xây dựng kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2018 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP trên địa bàn huyện Bắc Mê; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong huyện và mở rộng thị trường ra các huyện bạn trong tỉnh, cũng như các huyện bạn, tỉnh bạn lân cận.

2. Yêu cầu

- Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, trao đổi, sử dụng vật tư nông nghiệp thuộc nhóm hàng cấm hoặc không rõ nguồn gốc tại các chợ các xã, chợ trung tâm trên địa bàn huyện, ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng hóa chất, chất bảo quản bị cấm sử dụng trong sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản;

- Các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều nhóm đối tượng trong việc kinh doanh, sử dụng và quảng bá nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng;

- Đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định: Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các sản phẩm thịt, thủy sản nuôi, ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm trên 20% so với năm 2017;

- Phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, phân loại cơ sở lần đầu lũy kế đạt trên 80% tổng số cơ sở (cơ sở quản lý theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP) được thống kê; tái kiểm tra 100% các cơ sở xếp loại B, C; tỷ lệ cơ sở được xếp loại A, B tăng 20% so với năm 2017.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; các quy định pháp luật về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật. Thông tin đầy đủ, kịp thời về vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản và truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng.

2. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vào sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; tuân thủ thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp, điều kiện về đảm bảo ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

3. Nâng cao năng lực, kiến thức pháp luật ATTP cho lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về ATTP đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác. Tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật vê ATTP trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong quản lý ATTP từ huyện đến cơ sở

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cườg sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn, đưa tiêu trí về ATTP vào là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của huyện, xã để làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP

- Nội dung trọng tâm thông tin, tuyên truyền là: Phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; các quy định pháp luật về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật. Đưa thông tin về vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản vào quảng bá các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn; công khai danh sách, địa chỉ các tổ chức, cá nhân vi phạm cũng như biểu dương kịp thời các cơ sở thực hiện tốt quy định pháp luật về ATTP;

- UBND các xã, thị trấn chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền về ATTP nông, lâm, thủy sản năm 2018 trên cơ sở huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia (giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện); linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức phù hợp, hiệu quả nhất, huy động tối đa các phương tiện truyền thông tham gia phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền (chú trọng sử dụng, phát huy hiệu quả phương tiện truyền hình và hệ thống truyền thanh ở xã, thị trấn, thôn bản);

3. Giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

* Giám sát ATTP:

- Phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý chuyên ngành tổ chức lấy mẫu giám sát ATTP (theo quy định tại Thông tư 08/2016/TT- BNNPTNT) trong đó tập trung vào các loại thực phẩm tươi sống (như: rau, củ, quả, thịt, thủy sản) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn;

- Chính quyền các xã, thị trấn phối hợp với Ủy ban MTTQ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp triển khai hiệu quả Kế hoạch 295/KH-UBND-MTTQ ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về phối hợp thực hiện Chương trình vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020, Chương trình phối hợp 445/CTrPH-UBND-HND-HLHPN ngày 13/12/2017 của UBND tỉnh và Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

* Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm:

- Tăng cường tần suất tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản thực phẩm (tập trung vào những cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm có nguy cơ gây mất ATTP cao; các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi), các chợ đầu mối; xử lý nghiêm các vi phạm về điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông, lâm, thủy sản, thức ăn chăn nuôi/thủy sản không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng... theo quy định của pháp luật;

- Cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng (như: công an, quản lý thị trường...) và cấp ủy, chính quyền cơ sở phát hiện, xử lý kịp thời các đường dây nhập lậu, cơ sở tàng trữ, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục cho phép sử dụng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm: Chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện Kế hoạch; tham mưu giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện;

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch, định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo về UBND huyện và Sở nông nghiệp và PTNT theo quy định; tham mưu cho huyện tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kêt quả thực hiện kế hoạch.

2. Phòng Tài chính - Kế hoạch

Chủ trì tham mưu cho UBND huyện bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng quy định, hiệu quả.

3. Phòng Y tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng

Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi trách nhiệm quản lý của ngành, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và PTNT trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước vê lĩnh vực ATTP.

4. Công an huyện

Chỉ đạo các lực lượng trong hệ thống chuyên ngành tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong việc vận chuyển, tiêu thụ các chất cấm; nông sản thực phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ; cung cấp các thông tin, cảnh báo kịp thời về thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo ATTP vào địa bàn.

5. Đài Truyền thanh - Truyền hình

Phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị chuyên môn triển khai hiệu quả kế hoạch thông tin, tuyên truyền trên đài truyền hình trong năm 2018; xây dựng chuyên mục về “ATTP nông, lâm, thủy sản” phát định kỳ trên sóng truyên hình; tăng cường (số lượng, tần suất, thời lượng) tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; các quy định pháp luật về ATTP; thông tin về vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản; quảng bá nông sản thực phẩm an toàn; thông tin cảnh báo thực phẩm không đảm bảo ATTP; công khai các cơ sở (tổ chức, cá nhân) vi phạm và biểu dương các gương thực hiện tốt quy định pháp luật về ATTP...

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể của huyện

- Phối hợp thực hiện chương trình vận động và giám sát ATTP năm 2018 theo Kế hoạch 295/KH-UBND-MTTQ ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về phối hợp thực hiện chương trình vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020;

- Thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 445/CTrPH-UBND-HND-HLHPN ngày 13/12/2017 của UBND tỉnh và Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toan vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt động triển khai của kế hoạch; xây dựng phong trào thi đua, hướng dẫn xây dựng các mô hình điểm về áp dụng và tuân thủ thực hiện các quy định pháp luật về vệ sinh ATTP.

7. Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn

- Căn cứ kế hoạch của UBND huyện, cụ thể hóa, xây dựng chi tiết và ban hành kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 trên địa bàn, phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thị trấn;

- Chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các tổ chức hội, đoàn thể triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động tới các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện các quy định pháp luật về ATTP; phối hợp với các ngành chức năng của huyện thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Căn cứ nội dung kế hoạch, các ngành, UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm cụ thể hóa triển khai thực hiện; định kỳ hàng tháng báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về cơ quan đầu mối (Phòng Nông nghiệp và PTNT) trước ngày 15 hàng tháng để tổng hợp báo cáo UBND huyện và Sở Nông nghiệp và PTNT.

Nội dung chi tiết Kế hoạch số 104/KH-UBND tải về tại đây.


Tin khác

Thống kê truy cập