Văn hóa - Xã hội

Huyện Bắc Mê nỗ lực xóa mù chữ theo lời Bác dặn

10/12/2021 01:58 227 lượt xem

Cách đây 60 năm, vào ngày 26/3/1961, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Hà Giang vinh dự, tự hào và phấn khởi được đón Bác Hồ lên thăm. Trong 8 lời  căn dặn đồng bào các dân tộc tỉnh ta, ở điều thứ Bảy, Bác dặn “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ”. Khắc ghi lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Bắc Mê đã triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục về công tác xóa mù chữ cho đồng bào, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số...

Huyện Bắc Mê nỗ lực xóa mù chữ theo lời Bác dặn

19h tối, những tiếng đánh vần ê a, ngọng nghịu và lơ lớ rộn rã từ một lớp học xóa mù chữ ở thôn Khâu Lừa, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê đã xua tan cái tĩnh lặng vốn có của núi rừng vùng cao. Tiếng trẻ thơ, tiếng người trung niên, tiếng của người già cùng hòa lẫn mà chỉ nghe thôi đã thấy thương lắm những vọng về con chữ. Một lớp học thật đặc biệt bởi các học sinh đều là người dân tộc thiểu số, ở nhiều độ tuổi khác nhau từ thiếu nhi đến các anh chị lớn tuổi ai cũng háo hức được đi học, được đến lớp để biết cái chữ, biết làm phép tính cộng trừ nhân chia.
Phụ nữ người dân tộc thiểu số thường lấy chồng từ rất sớm. Quanh năm lam lũ, làm nương rẫy, công việc gia đình. Nên với họ, việc lần đầu tiên được cầm chiếc bút để viết chữ còn khó gấp trăm lần so với cầm cuốc lên nương, cầm liềm gặt lúa. Nhìn những bàn tay chai sạn, vụng về nắn nót viết từng chữ mới biết họ nỗ lực, cố gắng đến nhường nào. 
Là trụ cột trong gia đình, anh Vừ Mí Sình, học viên tại lớp xóa mù chữ thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông, năm nay anh37tuổi, vừa ngồi dò ngón tay chai sạn lên từng dòng chữ, vừa đọc cho chúng tôi nghe bài tập đọc trong sách giáo khoa với niềm vui và sự thích thú. Mấy ai biết, những ngày đầu được cô giáo vận động đi học, anh Sình ngại lắm vì mình già rồi. Nghĩ đi vài buổi rồi nghỉ, ai ngờ thấy vui vì đã có thể nhận và đọc được mặt chữ, làm các phép tính. Thế là dù bận việc gia đình rất nhiều, anh  luôn cố gắng để lên lớp và là một trong những người tham gia các buổi học đầy đủ nhất.
Lớp học xóa mù được mở tại thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông, diễn ra từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ 18h30 đến 21h30 với sự tham gia của 20 học viên, 100% là người dân tộc Mông  ở độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi. Giáo viên đứng lớp là những thầy, cô giáo của trường Tiểu học xã Lạc Nông. Dẫu cả ngày lên lớp chính rất mệt nhưng buổi tối họ không nghỉ mà tiếp tục công việc gieo chữ trên đá đầy tận tâm, nhiệt huyết.
Thôn Phia Vèn xã Lạc Nông có 61 hộ, 390 nhân khẩu, dân tộc Mông chiếm 100%. Tỉ lệ người dân không biết chữ còn cao, chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi. Cùng với ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể của xã, thôn đã khảo sát số lượng, nhu cầu học tập của người chưa biết chữ. Nhất là tuyên truyền, vận động tham gia lớp học xóa mù, lợi ích sau khi biết chữ, sẽ là đòn bẩy cho công tác xóa mù tại địa phương.
Vượt qua những khó khăn, vất vả, nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Mê  đã và đang miệt mài chạm đến giấc mơ về con chữ. Mỗi sớm thức dậy, họ lại tất tả lên nương, đem những kiến thức học được dù vẫn còn ít ỏi vào công việc, cuộc sống hàng ngày để hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn. Và lời căn dặn về xóa mù chữ, về học tập của Bác Hồ khi người lên thăm Hà Giang cách đây 60 năm, đến nay và mai sau vẫn còn nguyên những giá trị thực tiễn, giá trị lịch sử, là chân lý của thời đại Hồ Chí Minh.

Phương Thảo - Hoàng Long: Huyện Bắc Mê

Tin khác

Thống kê truy cập