Thông tin tuyên truyền

Hướng dẫn gia hạn và tái cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang

03/05/2018 00:00 220 lượt xem

Ngày 03/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đã ban hành Công văn số 467/SNN-QLCL về việc hướng dẫn gia hạn và tái cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nội dung chủ yếu như sau:

Trong những năm gần đây việc áp dụng Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt vào phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng ATTP, giá trị sản phẩm được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực hỗ trợ triển khai xây dựng các vùng sản xuất thực hành nông nghiệp tốt và cấp giấy chứng nhận VietGAP (Ngân sách nhà nước hỗ trợ chứng nhận lần đầu theo chính sách Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ) cho các tổ chức, cá nhân nhằm khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo chất lượng ATTP theo các Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất Cam, Chè, Rau trên địa bàn tỉnh đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cấp giấy chứng nhận VietGAP, tuy nhiên thời gian hiệu lực của Giấy chứng nhận VietGAP (được quy định tại chương III, Điều 17 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) là: Giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực tối đa 02 (hai) năm kể từ ngày cấp; Giấy chứng nhận VietGAP được gia hạn tối đa 03 (ba) tháng kể từ ngày hết hạn của giấy chứng nhận, sau khi hết thời gian gia hạn (03 tháng), nếu cơ sở không thực hiện tái cấp lại giấy chứng nhận thì giấy chứng nhận đã được cấp sẽ hết hiệu lực hoàn toàn.

Do vậy, để các tổ chức, cá nhân đã được cấp chứng nhận VietGAP tiếp tục duy trì sản xuất, sơ chế các sản phẩm đảm bảo chất lượng ATTP, được chứng nhận phù hợp với Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển bền vững theo mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Giang, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư hỗ trợ cho các cơ sở. Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ việc áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn trình tự, thủ tục hồ sơ gia hạn giấy chứng nhận và cấp lại giấy chúng nhận VietGAP cụ thể sau:

1. Về gia hạn giấy chứng nhận VietGAP

Trình tự và thủ tục hồ sơ đề nghị gia hạn bao gồm:

1.1. Trình tự xin gia hạn giấy chứng nhận

Căn cứ thời hạn hiệu lực giấy chứng nhận được cấp (được ghi tại Điều 2 của Quyết định cấp giấy chứng nhận VietGAP) trước thời điểm hết hạn giấy chứng nhận ít nhất là 20 ngày, cơ sở phải lập hồ sơ xin gia hạn giấy chứng nhận VietGAP gửi tổ chức cấp giấy chứng nhận VietGAP.

1.2. Hồ sơ đăng ký giữ hạn giấy chứng nhận VỉetGAP

Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị gia hạn chứng nhận VietGAP (theo mẫu Phụ lục 1 đính kèm);

- Bản sao giấy chứng nhận VietGAP đã được cấp.

2. Về cấp lại giấy chứng nhận VietGAP

2.1. Trình tự đăng ký cấp lại giấy chứng nhận VietGAP

Căn cứ thời hạn hiệu lực giấy chứng nhận được cấp (được ghi tại Điều 2 của Quyết định cấp giấy chứng nhận VietGAP) trước thời điểm hết thời hạn giấy chứng nhận ít nhất là 20 ngày, cơ sở phải lập hồ sơ đăng ký cấp lại giấy chứng nhận VietGAP gửi tổ chức cấp giấy chứng nhận VietGAP.

2.2. Hồ sơ đăng ký cấp lại giấy chứng nhận VỉetGAP

Hồ sơ bao gồm:

- Giấy đăng ký chứng nhận VietGAP (theo mẫu Phụ lục 2 đính kèm);

- Văn bản thể hiện tính pháp lý của cơ sở sản xuất: Giấy phép kinh doanh/Quyết định thành lập;

- Tài liệu quy định hệ thống quản lý chất lượng nội bộ của cơ sở sản xuất nhiều thành viên: Quy chế hoạt động, quy định đánh giá nội bộ, quy định về tiếp nhận và giải quyết khiếu nại; quy định sản xuất sản phẩm theo VietGAP; sơ đồ giải thửa vùng sản xuất; Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm (đã được xây dựng khi đánh giá, cấp chứng nhận lần trước);

- Kết quả đánh giá nội bộ và hành động khắc phục, phòng ngừa trong phạm vi 06 - 12 tháng trước khi Giấy chứng nhận VietGAP hết hiệu lực;

- Kết quả phân tích mẫu đất trồng, nước tưới, mẫu sản phẩm tại thời điểm đăng ký cấp lại giấy chứng nhận (nếu có).

3. Phí, lệ phí khi cấp gia hạn hoặc cấp lại giấy chứng nhận VietGAP

3.1. Chi phí cấp gia hạn giấy chứng nhận VietGAP

Khi cơ sở đăng ký cấp gia hạn giấy chứng nhận, cơ sở không phải đóng phí.

3.2. Chi phí tái cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP

Chi phí cho thực hiện kiểm tra, đánh giá thực địa để hoàn tất hồ sơ, thủ tục tái cấp lại giấy chứng nhận VietGAP: Do các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp lại giấy chứng nhận tự đầu tư, chi trả cho Tổ chức cấp chứng nhận (theo thỏa thuận giữa cơ sở với tổ chức cấp chứng nhận VietGAP).

4. Nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký gia hạn hoặc cấp lại giấy chứng nhận

Hồ sơ đăng ký gia hạn hoặc cấp lại giấy chứng nhận VietGAP của cơ sở được lập theo mẫu quy định thành 02 bộ, gửi tới các đơn vị, cụ thể là:

* Gửi 01 bộ (bản gốc) về Tổ chức cấp giấy chứng nhận (theo tên, địa chỉ, điện thoại, Website của tổ chức cấp giấy chứng nhận đã được được ghi rõ trên giấy chứng nhận VietGAP): Để lập hồ sơ, ra quyết định gia hạn hoặc cấp lại giấy chứng nhận VietGAP theo thẩm quyền.

* Gửi 01 bộ (bản gốc hoặc bản photo) về Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang: Để theo dõi và quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước đối với vùng, cơ sở được chứng nhận VietGAP, theo địa chỉ:

- Tên đơn vị: Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.

- Địa chỉ: số 216, đường Trần Phú, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang.

- Số điện thoại: 0219 3 861 328; Email: qlclnshg@gmail.com

5. Thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ: 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

6. Tổ chức, phối họp thực hiện

* Sở nông nghiệp và PTNT Hà Giang: Uỷ quyền, giao cho Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà giang có trách nhiệm:

- Tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát, giám sát việc sử dụng, gia hạn và tái cấp lại giấy chứng nhận VietGAP theo đúng quy định.

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật, thông tin đầy đủ, kịp thời các cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh trên Website (của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của tỉnh), gửi văn bản thông báo danh sách các cơ sở có giấy chứng nhận VietGAP chuẩn bị hết thời hạn (trước thời điểm giấy chứng nhận hết thời hạn) tới Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện (Phòng Kinh tế thành phố), UBND các xã và cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, thời gian gửi thông báo: Trước ít nhất là 03 tháng (so với mốc thời điểm giấy chứng nhận hết thời hạn).

* UBND các huyện, thành phố:

Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm các thủ tục xin gia hạn và đăng ký tái cấp lại giấy chứng nhận kịp thời nhằm duy trì hoạt động của các cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP trên địa bàn.

* Đối vói các cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP:

Có trách nhiệm tự theo dõi thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận VietGAP để chủ động làm các thủ tục, hồ sơ đăng ký gia hạn và tái cấp lại giấy chứng nhận VietGAP kịp thời, không để quá thời hạn giấy chứng nhận dẫn tới bị gián đoạn, không đủ điều kiện gia hạn hoặc tái cấp lại theo quy định.

Nội dung chi tiết Công văn số 467/SNN-QLCL và phụ lục kèm theo tải về tại đây.


Tin khác

Thống kê truy cập