Thông tin tuyên truyền

Bắc Mê 40 năm xây dựng và phát triển

27/12/2023 14:39 200 lượt xem

Cách đây 40 năm, ngày 1/1/1984, huyện Bắc Mê, một trong 10 huyện, thị của tỉnh Hà Giang được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Bắc Mê, cán bộ, Nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, cùng với toàn tỉnh giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Từ một vùng quê nghèo khó ở buổi đầu thành lập, Bắc Mê hôm nay đã có một diện mạo mới tươi sáng hơn. 

Bắc Mê 40 năm xây dựng và phát triển

Bắc Mê là huyện miền núi, vùng sâu của tỉnh Hà Giang, cách tỉnh lỵ Hà Giang 53 km, có diện tích tự nhiên 86.606 km2. Phía Bắc giáp huyện Yên Minh, phía Đông giáp huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), phía Tây giáp huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang, phía Nam giáp huyện Na Hang và huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang).
Trước yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng mới, ngày 18/11/1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) ra Quyết định số 136/HĐBT về việc chia tách huyện Vị Xuyên thành hai huyện mới lấy tên là huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Mê. Khi đó, huyện Bắc Mê thuộc tỉnh Hà Tuyên bao gồm 10 xã với 2.865 hộ, 18.896 nhân khẩu với 13 dân tộc cùng chung sống. Trung tâm huyện lỵ đặt tại xã Yên Phú (Km 64 Quốc lộ 34 đường Hà Giang – Cao Bằng). 
Để đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, các tổ chức Đảng ở Bắc Mê ngày 30/12/1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tuyên đã ra Quyết định số 175-QĐ/TU về việc thành lập Đảng bộ huyện Bắc Mê trực thuộc Tỉnh ủy gồm các chi, đảng bộ cơ sở: Phú Nam, Đường Âm, Yên Phú, Yên Cường, Thượng Tân, Minh Ngọc, Minh Sơn, Yên Định, Lạc Nông, Giáp Trung và một số chi Đảng bộ các cơ quan xung quanh huyện; Chỉ định Ban Chấp hành Huyện ủy gồm 15 đồng chí, trong đó có 05 đồng chí Thường vụ Huyện ủy. Đồng chí Hoàng Văn Vương được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy.
 

Ngày 01/01/1984, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời và Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê đã tổ chức lễ ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở ra trang sử mới cho nhân dân các dân tộc Bắc Mê. Việc thành lập huyện Bắc Mê đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc; là sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để các xã của Bắc Mê phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn. Ngày 01 tháng 01 năm 1984 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời chọn là Ngày thành thành lập huyện cũng như Ngày thành lập Đảng bộ huyện Bắc Mê. Ngày đầu thành lập, các cơ quan của huyện phải làm việc trong những căn nhà tạm hoặc ở nhờ nhà dân trong điều kiện làm việc hết sức thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ ngày đầu vừa thiếu vừa yếu. 
Trải qua những chặng đường lịch sử, những thay đổi về dân cư, địa giới hành chính, đến nay, huyện có 12 xã và 01 thị trấn, 139 thôn bản, tổ dân phố, với 11.552 hộ, 56.064 nhân khẩu. 40 năm trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, huyện Bắc Mê đã đạt được những kết quả bứt phá toàn diện trên các lĩnh vực, nhiều lĩnh vực mang tính đột phá. Kinh tế huyện từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu, giản đơn, nông nghiệp là chính đã trở nên đa dạng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ hơn, mang một diện mạo hoàn toàn mới. Trung tâm hành chính huyện sau lần di chuyển từ km 64 đến km 53 Quốc 34 Hà Giang – Cao Bằng được quy hoạch, xây dựng bài bản, hiện đại, đặc biệt sau 14 năm xây dựng thị trấn Yên Phú thực sự là một thị trấn miền núi khang trang, đang từng ngày đổi mới. Trung tâm các xã ngày càng khang trang. Huyện đã có 03 xã đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Nhận thức của Nhân dân về ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích trồng rừng mới đạt cao, các vùng sản xuất hàng hóa từng bước được hình thành, đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện. Cải cách hành chính được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả; thu hút đầu tư được đẩy mạnh, một số dự án đã và đang triển khai có hiệu quả. Văn hóa - xã hội có sự tiến bộ trên nhiều mặt; du lịch, dịch vụ có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và ổn định. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục trưởng thành về nhiều mặt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, huyện xác định làm tốt công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ở địa phương. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huyện Bắc Mê đã phát huy được nội lực trong dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo dựng được niềm tin trong quần chúng nhân dân. Vai trò của nhân dân được phát huy thông qua việc lấy ý kiến của nhân dân, ý kiến phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trước khi xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật…
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Chặng đường 40 năm, vượt qua khó khăn, bức tranh kinh tế huyện Bắc Mê đã và đang được tô thêm nhiều điểm sáng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngày càng phù hợp với điều kiện phát triển của huyện, tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ – du lịch đã tăng dần qua các năm. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, liên tục tăng qua các năm, đến năm 2021 thu ngân sách đạt trên 218 tỷ đồng đạt 102% KH; năm 2022 đạt trên 171 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với năm 2020. thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 25,2 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ dân cư được sử dụng điện từ các nguồn đạt 93,01%; 120/139 thôn, tổ dân phố có hệ thống điện đạt chuẩn…. Một trong những điểm sáng cho thấy sự phát triển của huyện Bắc Mê là sự đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư, tu sửa, nâng cấp ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong giai đoạn 2020-2023, hoàn thành và tiến hành nhiều công trình quan trọng, cấp thiết: tuyến quốc lộ 34 được tu sửa và hoàn thành; cải tạo, nâng cấp đường Minh Ngọc - Mậu Duệ giai đoạn 1; cầu treo Thượng Tân; đường vành đai bờ Nam sông Gâm; xây dựng 01 cầu cứng qua sông Gâm…; đầu tư nâng cấp 06 tuyến đường huyện quản lý; cứng hóa các tuyến đường đến trung tâm thôn và 8,8 km đường nội thôn, đường liên thôn; đến nay 120/139 thôn có mặt đường cứng hóa đến trung tâm; 41,38% đường liên thôn, nội thôn và 44,5% đường ngõ xóm được cứng hóa…Đột phá về kết cấu giao thông không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân mà còn tạo ra một diện mạo mới, khang trang hơn, đàng hoàng hơn cho huyện, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương. 
Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị trong huyện. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn nên từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Bắc Mê đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương chung sức, đồng lòng xây dựng, đổi mới quê hương. Ngoài việc đóng góp ngày công thi công các công trình, hiến đất làm công trình công cộng…nhân dân đã có ý thức bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; phát huy các giá trị truyền thống; giữ gìn an ninh trật tự; xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm góp phần đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí trên địa bàn xã, thị trấn. Đến năm 2018 huyện Bắc Mê đã hoàn thành 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Minh Ngọc, Yên Định và Yên Phong về đích trước 2 năm so với nghị quyết đề ra … Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc là minh chứng cho sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, là sự nỗ lực vượt khó của những người nông dân với vai trò chủ thể tích cực đóng góp những mô hình kinh tế với cách làm hay, sáng tạo, sẵn sàng vươn lên từ vùng đất khó, tham gia thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Bước chuyển về văn hóa – xã hội

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, sự nghiệp bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống gắn với xây dựng văn hóa hiện đại phục vụ nhân dân được cấp ủy, chính quyền huyện hết sức quan tâm. Sau 40 năm huyện đã có nhiều thiết chế văn hóa khang trang. Công tác phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch bước đầu đạt hiệu quả cao từng bước thu hút du khách như: Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc và lịch sử địa phương: Tập trung khôi phục hoạt động du lịch, dịch vụ sau đại dịch Covid-19; tổ chức Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch và ra mắt sản phẩm “Về với địa chỉ đỏ - Căng Bắc Mê”. Đồng thời, khuyến khích đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ theo hướng hiện đại nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia Căng Bắc Mê (giai đoạn 1); Khu nghỉ dưỡng Pa’Piu; Nhà hàng Đại Dương; du lịch lòng hồ sông Gâm, đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử địa phương đặc biệt là Lễ cầu mùa, cầu mưa của dân tộc Dao đỏ được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia; hằng năm tổ chức Lễ hội đua mảng trên Sông Gâm,…; đã góp phần làm thay đổi diện mạo và vị thế du lịch của huyện; thu hút khách du lịch ước đến hết năm 2023 đạt trên 110 nghìn lượt người.
Thấm sâu lời dạy của Bác “đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ“ Trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo của huyện hoàn toàn thay đổi góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo thế hệ tương lai, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Khi mới thành lập, hệ thống trường, lớp tranh tre nứa lá, tỷ lệ người dân mù chữ chiếm tỷ lệ cao… Đến nay, mạng lưới giáo dục đã phát triển rộng khắp với 14 trường Mầm non, 12 trường tiểu học, 10 trường THCS, 02 trường TH&THCS, 02 trường THCS&THPT, 01 trường THPT, 01 Trung tâm GDNN-GDTX; 23/41 trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 56,1%. Chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng được nâng lên 
Hệ thống y tế được củng cố và phát triển từ huyện đến cơ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm đầu tư; Đội ngũ cán bộ y, bác sỹ thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, 13/13 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Các trạm Y tế xã đều có bác sỹ làm việc; 139/139 thôn, tổ dân phố đều có nhân viên y tế thôn bản thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân…
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy vai trò chủ thể của người dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện nghiêm túc nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cải tạo vườn tạp”, “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”... thực sự lan tỏa sâu vào đời sống của nhân dân. Đến nay 100% thôn, tổ dân phố đã tổ chức xây dựng hương ước, quy ước và được thực hiện nghiêm túc. 100% các hộ gia đình được nghe đài phát thanh và 98% hộ gia đình được xem ti vi. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên. Nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả, như: Vận động, tuyên truyền người dân thay đổi, xóa bỏ những tập tục không phù hợp, lạc hậu; xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc; Câu lạc bộ hát then đàn tính … đã phát huy sức mạnh, sáng tạo của cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân.
Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết chế độ chính sách người có công và các nhóm yếu thế đạt được kết quả quan trọng. Các chương trình, chính sách giảm nghèo được đặc biệt quan tâm. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tích cực triển khai thực hiện nhiều năm qua. Hỗ trợ xây dựng 888 nhà ở kiên cố; trong đó đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ 238 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà, tổng kinh phí thực hiện trên 21,6 tỷ đồng. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm sau đều giảm so với năm trước. Năm 1984 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm đa số, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm 40,79% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025), giảm bình quân 4%/năm so với nghị quyết. 
Thành tựu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
Trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo, gắn với triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII), Kết luận 21 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, quan trọng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ và tổ chức đảng, đảng viên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Ngày mới thành lập, Đảng bộ huyện có hơn 400 đảng viên, các chi bộ chủ yếu sinh hoạt ghép, công tác phát triển đảng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn. Đến nay đảng bộ huyện đã có 4.072 đảng viên, sinh hoạt tại 57 tổ chức cơ sở đảng: 16 đảng bộ cơ sở, 41 chi bộ cơ sở, 230 chi bộ trực thuộc đảng bộ. 100% thôn bản có đảng viên sinh hoạt (tăng 10 lần so với năm 1984). Số tổ chức cơ sở Đảng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đều vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Việc xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng đã góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước và cấp ủy các cấp.
Bộ máy chính quyền cấp huyện, xã thường xuyên được được củng cố, kiện toàn kịp thời, theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với Nhân dân; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền. Đến năm 2022 tỷ lệ cơ quan hành chính Nhà nước có cơ cấu công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm đạt 100%; 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ đại học trở lên. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo đẩy mạnh, rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, đẩy mạnh giải quyết TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. 100% số TTHC trên địa bàn huyện được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, chỉ số CCHC các năm đều xếp loại khá.
Khát vọng phát triển
Với những kết quả đó, chúng ta có thể khẳng định chặng đường 40 năm với một huyện trẻ như Bắc Mê đầy chông gai nhưng cũng rất nhiều thành tựu. Đây là kết quả ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê. Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. 
Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bắc Mê ôn lại chặng đường vẻ vang khi đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để vững bước đi lên trên con đường đổi mới và phát triển. Nhìn lại chặng đường 40 năm sau ngày thành lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê trân trọng mọi sự đóng góp, cống hiến của các đơn vị, tổ chức cá nhân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mỗi người dân trong sự nghiệp dựng xây quê hương Bắc Mê.
Tuy còn khó khăn, nhưng đến Bắc Mê hôm nay chúng ta dễ dàng nhận thấy những đổi thay rõ nét trên vùng quê một thời gian khó. Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân có những bước phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đây là nền tảng vững chắc để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân biến niềm tự hào ấy thành sức mạnh, thành động lực hăng hái thi đua trong học tập, lao động sản xuất, công tác, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa Bắc Mê tiến nhanh hơn nữa trong thời kỳ hội nhập. Bắc Mê hôm nay đang đổi thay và phát triển.

Công Duẩn - Hoàng Long: Huyện Bắc Mê

Tin khác

Thống kê truy cập