Chính trị

Hội nghị triển khai Dự án phát triển và nâng cao sản phẩm cam, quýt tỉnh Hà Giang đến năm 2020

25/06/2014 00:00 241 lượt xem

Ngày 23/6, tại huyện Bắc Quang, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai dự án phát triển và nâng cao sản phẩm cam, quýt đến năm 2020. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành; lãnh đạo các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình; đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Trong những năm qua, mặc dù sản phẩm cam sành của Hà Giang đã có tiếng trên thị trường  trong nước. Tuy nhiên, người sản xuất chưa áp dụng các quy trình kỹ thuật và đầu tư đúng mức, chưa xây dựng được mô hình khép kín từ sản xuất giống tới thâm canh. Phần đa người trồng cam chưa sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đúng với giá trị khi bán trên thị trường nên giá trị sản phẩm không cao chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Mặt khác những năm trước đây việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, chưa đúng kỹ thuật, chưa đảm bảo thời gian cách ly đã làm mất uy tín của cam, quýt Hà Giang nên đã dẫn tới tâm lý e dè của người tiêu dùng. Từ thực tế trên UBND tỉnh đã lập và thực hiện dự án phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt tỉnh Hà Giang đến năm 2020 nhằm lấy lại uy tín, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo đúng giá trị của sản phẩm cam, quýt. Mục tiêu của dự án sẽ góp phần tăng giá trị thu nhập bình quân 1ha cam từ 120 đến 150 triệu đồng hiện nay lên 250 triệu đồng/ha đến năm 2015, và 300 - 400 triệu đồng/ha đến năm 2020. Tăng mức đầu tư thâm canh, lấy lại uy tín và quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam sành Hà Giang. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa có sự liên kết của 4 nhà, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh  nghiệp nhỏ. Bảo tồn các giống cây đầu dòng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 thực hiện cam theo tiêu chuẩn VietGap gần 90 ha. Trồng mới mỗi năm 1000 ha trở lên đảm bảo đến năm 2015 diện tích cam, quýt đạt 5000 ha. Xây dựng chỉ dẫn  địa lý cho sản phẩm cam  sành Hà Giang. Từ năm 2016 đến 2020 mỗi năm trồng mới 350 ha, xây dựng vườn cam theo tiêu chuẩn VietGap mỗi năm 400 ha. Nâng cao năng suất cam bình quân 60 tạ/ha lên khoảng 120 đến 150 tạ/ha. Bên cạnh đó Dự án còn xây dựng giải pháp thực hiện như giải pháp chọn điểm, chọn hộ; giải pháp kĩ thuật; giải pháp về thị trường; giải pháp đầu tư có thu hồi. Tổng vốn đầu tư dự án là trên 160 Tỷ đồng trong đó vốn nhà nước là trên 110 tỷ đồng, vốn của người dân đóng góp gần 5 tỷ đồng, vốn của ngân hàng là gần 50 tỷ đồng.

 

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của các sở, ngành, UBND 3 huyện vùng thấp. Tuy nhiên trong quá trình triển khai ở các huyện còn nhiều bất cập, tình trạng trông chờ, ỷ lại vẫn còn xảy ra. Do đó PCT UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến yêu cầu các Sở, ngành và các huyện xác định rõ cây cam là cây hàng hóa quan trọng của tỉnh và là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của 3 huyện động lực của tỉnh Hà Giang. Đối với các địa phương cần tập trung xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển để thống nhất quan điểm chỉ đạo trong phát triển cây cam đến  năm 2020. Tổ chức ký cam kết đối các hộ có đủ điều kiện tham gia đề án không tổ chức giàn trải dẫn đến kém hiệu quả. Rà soát, thẩm định và cấp giấy chứng nhận những cây có điều kiện cung cấp giống. Lập danh sách và phê duyệt số lượng các hộ tham gia dự án để tổ chức dạy nghề, tập huấn kỹ thuật đồng thời có phương án hỗ trợ cho vay vốn. Toàn bộ diện tích trồng mới phải đảm bảo tiêu chuẩn VietGap. Thống nhất trình tự cho vay hợp lý vừa thuận lợi cho người dân mà không gây rủi do cho các ngân hàng cho vay. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến cũng yêu cầu các Sở, ngành với chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung hoàn thành các chỉ tiêu mà dự án đã đề ra đến năm 2020.


Tin khác

Thống kê truy cập