Thông tin tuyên truyền

Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại

08/05/2018 00:00 75 lượt xem

Ngày 07/5, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Công văn số 1466/UBND-KTN gửi UBND các huyện, thành phố; các Sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Công an, Biên phòng, Hải quan tỉnh, Đài PTTH, Báo Hà Giang về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. Nội dung chủ yếu như sau:

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Dại năm 2018. Để công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với UBND các huyện, thành phố

1.1. Phát động tháng cao điểm phòng, chống bệnh Dại, bắt đầu từ 10/5/2018, với nội dung trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó.

1.2. Tổ chức thực hiện quản lý đàn chó nuôi theo quy định gồm:

- Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý, đồng thời hỗ trợ cho công tác tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó nuôi;

- Yêu cầu các hộ nuôi chó ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện xích, nhốt, rọ mõm cho chó nuôi theo đúng quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó Dại tấn công.

1.3. Tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó: Tổ chức đợt cao điểm tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi (kể cả mèo), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% so với tổng đàn (tính trên tổng đàn chó nuôi thực tế) thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin Dại để duy trì miễn dịch quần thể, ngăn ngừa bệnh Dại phát sinh và lây lan trên đàn chó nuôi.

1.4. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp phòng, chống và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và “cộng đồng chung tay phòng, chống bệnh Dại” khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh Dại để kịp thời xử lý. Vận động, hướng dẫn người bị chó cắn, mèo cào,... đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời.

1.5. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

1.6. Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 02/6/2018 (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

2.1. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung ứng kịp thời, đầy đủ vật tư, vắc xin tiêm phòng bệnh Dại theo đăng ký của các huyện, thành phố đảm bảo chất lượng.

2.2. Thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn các huyện, thành phố trong tháng 5/2018, tổng hợp kết quả kiểm tra báo cáo UBND tỉnh trước 05/6/2018.

3. Sở Y tế

Chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ca bệnh Dại ở người, đảm bảo cung cấp vắc xin và huyết thanh kháng Dại đủ về số lượng và chất lượng cho các điểm tiêm chủng; quản lý và tổ chức tốt việc tiêm phòng vắc xin phòng Dại đảm bảo an toàn tính mạng cho người bị chó, mèo cắn.

4. Các cơ quan thông tin và tuyên truyền

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về bệnh Dại ở người và động vật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao trách nhiệm phòng, chống bệnh Dại của các cấp, các ngành; đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực trọng điểm về du lịch, vùng có nguy cơ cao về bệnh Dại.

- Phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức biểu dương các điển hình tiên tiến; kịp thời phát hiện, phê bình các địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân có thái độ chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh Dại.

5. Các Sở, ngành: Công thương, Công an, Biên phòng, Hải quan tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố để tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.

Nội dung chi tiết Công văn số 1466/UBND-KTN tải về tại đây.


Tin khác

Thống kê truy cập