Thông tin tuyên truyền

Quyết định phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (OCOP)

31/03/2018 00:00 233 lượt xem

Ngày 22/3, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (OCOP). Nội dung chủ yếu như sau:

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp;

Căn cứ kết luận số 337-KL/TU ngày 07/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án OCOP;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 177/SNN-KTHT ngày 27/02/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (OCOP), gồm các nội dung sau:

1. Tên Đề án: Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

2. Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

3. Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố.

4. Thời gian thực hiện: 36 tháng (từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2020).

5. Phạm vi thực hiện: 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

6. Mục tiêu Đề án:

6.1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã Nông thôn mới giai đọan 2016-2020.

- Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn Hà Giang theo hướng bền vững.

6.2. Mục tiêu cụ thể

6.2.1. Giai đoạn 2018-2020

1) Phát triển sản phẩm

- Lựa chọn, hoàn thiện/nâng cấp 80 - 100 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương.

- Phát triển mới 40 - 50 sản phẩm (tăng dần theo các năm tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi).

- Công nhận/chứng nhận 3 sản phẩm 5 sao cấp tỉnh, 2 sản phẩm 3-5 sao cấp quốc gia.

2) Phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP

- Lựa chọn củng cố 60 - 80 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm phẩm nông nghiệp hiện có của các địa phương tham gia OCOP.

- Phát triển mới 30 - 40 tổ chức kinh tế tham gia OCOP.

3) Phát triển nguồn nhân lực

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp/HTX tham gia OCOP.

- Nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quản bá sản phẩm OCOP.

4) Duy trì chu trình OCOP thường niên

- Chu trình chuẩn OCOP được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện.

- Hằng năm mỗi huyện, thành phố có ít nhất 5 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo OCOP.

5) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách OCOP từ tỉnh đến huyện.

- Ban hành chính sách riêng cho Chương trình; chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hoàn thiện chu trình OCOP thường niên.

- Có một hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP, từ cấp tỉnh, huyện theo chu trình thường niên.

- Hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp; thương hiệu sản phẩm OCOP Hà Giang được lan rộng và phổ biến trên toàn.

6.2.2. Giai đoạn 2021-2030

1) Phát triển sản phẩm: Có 700-900 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2030.

2) Phát triển các tổ chức kinh tế: Phát triển mới 100 - 150 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 190 - 270 tổ chức kinh tế OCOP vào năm 2030.

7. Quan điểm về cách thức triển khai Đề án

- Nhà nước hỗ trợ: Hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguôn nhân lực.

- Tổ chức và cộng đồng dân cư (bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm trên địa bàn) tự tổ chức triển khai thực hiện.

8. Nội dung Đề án

8.1. Triển khai thí điểm tại huyện Quản Bạ

Năm 2018 tổ chức triển khai thí điểm tại huyện Quản Bạ, tổ chức tuyên truyền về Chương trình OCOP tại Quản Bạ; Khảo sát hiện trạng, đề xuất chiến lược phát triển một số sản phẩm thế mạnh tại huyện; Tái cơ cấu hoặc thành lập mới tổ chức kinh tế; Xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh; Đánh giá và phân hạng sản phẩm.

8.2. Triển khai Chu trình OCOP toàn tỉnh

- Năm 2018: Tập trung truyền thông đến cộng đồng nhằm làm cho cộng đồng phân biệt được sản phẩm và chủ thể OCOP, từ đó có thể đề xuất sản phẩm và xây dựng mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh thích hợp. Huấn luyện các chủ thể OCOP về xây dựng câu chuyện cho sản phẩm, từ đó cộng đồng có thể xây dựng câu chuyện cho sản phẩm của mình đúng phương pháp.

- Năm 2019: Tập trung tư vấn và hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng hệ thống tổ chức bảo đảm chất lượng sản phẩm OCOP của mình. Tập trung huấn luyện và tư vấn kỹ năng bán hàng, từ đó các chủ thể OCOP có thể bán sản phẩm và cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp hơn.

- Năm 2020: Tổ chức rà soát các sản phẩm OCOP được phân hạng 5 sao cấp tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển, cải tiến và nâng cấp về quy mô, chất lượng để tiến đến xuất khẩu. Tập trung huấn luyện và tư vấn kỹ năng xúc tiến thương mại, từ đó các chủ thể OCOP có thể xúc tiến sản phẩm của mình. Tham gia chuỗi các sự kiện xúc tiến thương mại cấp quốc gia.

- Giai đoạn 2021 đến 2030 tập trung triển khai: Xác định và tôn vinh các CEO OCOP; xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đến các các nước trong và ngoài Asean; Xây dựng mô hình nông nghiệp và kinh doanh 4.0 tạo ra sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời kỳ mới.

8.3. Xây dựng hệ thống vận hành OCOP

Thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cơ sở (theo 3 cấp: Tỉnh - huyện - xã), bao gồm:

1) Cơ cấu nhân sự cấp tỉnh

- Thành lập Ban điều hành Chương trình OCOP-HG, trong đó: Trưởng ban là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phó Trưởng ban Thường trực là Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Phó Trưởng Ban chuyên trách Chi Cục trưởng Chi Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các Sở, Ngành, lãnh đạo các huyện, các cơ quan đoàn thể làm thành viên và đảm nhận chức vụ theo phân công. Cơ quan thường trực Ban điều hành là Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Thành lập các tiểu ban chuyên môn, trực tiếp cùng Ban điều hành OCOP thực hiện các hoạt động truyền thông về Chương trình, hỗ trợ phát triển, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực và quản lý thực hiện Chương trình. Các tiểu ban OCOP bao gồm: Tiểu ban phát triển sản phẩm, Tiểu ban Marketing và Xúc tiến thương mại, Tiểu ban Đào tạo và Truyền thông, Tiểu ban hành chính và tổng hợp.

2) Cơ cấu nhân sự cấp huyện

- Giao cho Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện chịu trách nhiệm lãnh chỉ đạo xây dựng Đề án và thực hiện trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Kinh tế) là cơ quan thường trực giúp việc trực tiếp.

- Thành lập Tổ OCOP: Có ít nhất 1 cán bộ chuyên trách, 2-3 cán bộ kiêm nhiệm, thuộc Văn phòng điều phối Nông thôn mới.

3) Nhân sự cấp xã: Giao cho Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chịu trách nhiệm lãnh chỉ đạo thực hiện và triển khai Đề án OCOP trên địa bàn xã mình.

4) Thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở các cấp: Tỉnh và huyện tại mỗi kỳ đánh giá. Hội đồng có chức năng đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí đã ban hành.

Khuyến khích bộ máy chỉ đạo điều hành các cấp phân công cụ thể cho thành viên trong bộ máy chỉ đạo, điều hành phụ trách theo từng địa bàn, một lĩnh vực công tác cụ thể và có lịch sinh hoạt cụ thể.

Chức năng của hệ thống này là chỉ đạo và điều hành toàn bộ các hoạt động của Chương trình OCOP tại cấp tương ứng của mình. Các nhân sự tại mỗi vị trí công tác đều phải có bản mô tả công việc và KPI. Mỗi ban điều hành đều có quy chế hoạt động, do trưởng ban điều hành ban hành.

9. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện

9.1. Nhu cầu kinh phí

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là: 140.862.100.000 đồng (một trăm bốn mươi tỷ, tám trăm sáu mươi hai triệu, một trăm nghìn đồng).

Trong đó:

- Kinh phí từ Ngân sách Nhà nước: 65.216.900.000 đồng (chiếm 46,3% tổng kinh phí triển khai Chương trình).

- Kinh phí do cộng đồng huy động: 75.645.200.000 đồng (chiếm 53,7% tổng kinh phí triển khai Chương trình).

9.2. Nguồn vốn

- Nguồn vốn ngoài ngân sách, bao gồm: vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ Chương trình OCOP.

- Nguồn vốn ngân sách, bao gồm: Ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ và các nguồn vốn lồng ghép trung ương và địa phương khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chịu trách nhiệm tham mưu toàn diện về việc tổ chức triển khai thực hiện và hiệu quả của Đề án.

2. Sở Tài chính: Cân đối tài chính cho các hoạt động của Chương trình; hỗ trợ các tổ chức kinh tế hình thành trong Chương trình về nghiệp vụ, chế độ quản lý tài chính.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn lồng ghép các nội dung của Chương trình vào quy hoạch tổng thể, kế hoạch hằng năm; phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách.

4. Sở Công thương: Lập kế hoạch và ngân sách hằng năm cho hoạt động khuyến công liên quan đến các tổ chức kinh tế hình thành bởi Chương trình; tổ chức hội chợ, hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm; thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch; Hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Tổng hợp các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

6. Sở Y tế: Hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định; xây dựng và bảo đảm các chỉ tiêu thuốc y học cổ truyền, vệ sinh an toàn thực phẩm; đánh giá các sản phẩm thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền.

7. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Nghiên cứu phát triển, quảng bá các hình ảnh về bản sắc văn hoá, sản phẩm của Chương trình.

8. UBND các huyện, thành phố:

- Tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ OCOP trong phạm vi của huyện, thành phố.

- Huy động/phân bổ/điều chỉnh các nguồn lực thực hiện trong phạm vi của huyện, thành phố.

- Tham gia tuyên truyền về OCOP qua hệ thống tại địa phương.

- Tổ chức cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp huyện, thành phố để chọn sản phẩm thi đánh giá và phân hạng cấp tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thươmg, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - TBXH; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nội dung chi tiết Quyết định số 500/QĐ-UBND tải về tại đây.


Tin khác

Thống kê truy cập