Thông tin tuyên truyền

Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người huyện Bắc Mê năm 2018

06/02/2018 00:00 192 lượt xem

Ngày 06/2, UBND huyện ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người huyện Bắc Mê năm 2018 (Kế hoạch số 46/KH-UBND).

Nội dung chủ yếu như sau:

Căn cứ Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/01/2018 của UBND tỉnh Hà Giang về việc xây dựng kế hoạch hoạt động, phòng chống dịch bệnh ở người tỉnh Hà Giang năm 2018.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, sự biến đổi khí hậu; tình hình mở rộng hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong huyện, cùng với điều kiện kinh tế, trình độ dân trí và điều kiện môi trường thấp kém... cùng với nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh và các bệnh truyền nhiễm vốn có ổ dịch cũ tại huyện Bắc Mê và một số bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa có thể gia tăng và gây dịch. Bên cạnh đó, bệnh truyền nhiễm thuộc tiêm chủng mở rộng có nguy cơ quay trở lại như sởi, rubella, ho gà, uốn ván sơ sinh và viêm não Nhật Bản... nếu không có các biện pháp phòng chống dịch chủ động và kịp thời rất có thể dịch sẽ bùng phát trên diện rộng và gây hậu quả tử vong.

Trên cơ sở tình hình bệnh truyền nhiễm gây dịch năm 2017 và dự báo tình dịch bệnh năm 2018 trên địa bàn huyện Bắc Mê, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn huyện, hạn chế tối đa tỷ lệ mắc và tử vong, Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người năm 2018 cụ thể như sau:

I. NỘI DUNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát phát hiện các ca bệnh truyền nhiễm gây dịch ở người; điều tra xác minh, xử lý ổ dịch, theo dõi cách ly, điều trị kịp thời; hạn chế tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh gây ra trong cộng đồng.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Kiện toàn ban chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến xã, duy trì hoạt động thường xuyên; tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động phòng chống dịch từ huyện đến xã.

- Đảm bảo công tác truyền thông phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm tại các xã, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực thường xuyên, đầy đủ, nhiều hình thức, nội dung phù hợp trước mùa dịch, trong và sau vụ dịch.

- Duy trì công tác tiêm chủng đầy đủ các vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cơ bản ở trẻ trong toàn huyện.

- Tăng cường hoạt động giám sát của Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện, xã nhằm phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh ở tuyến xã.

- Đảm bảo vắc xin, thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện và nhân lực phòng chống dịch bệnh tại các xã, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực.

1.3. Một số chỉ tiêu cu thể

- 13/13 xã, thị trấn kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân trong chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

- 13/13 xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch và phương án phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương.

- 100% các ban ngành thành viên Ban chỉ đạo có văn bản chỉ đạo theo ngành dọc đến xã, thị trấn phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh ở người.

- 100% trạm y tế xã có đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, giường bệnh sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.

- 100% số cán bộ trạm y tế xã, thị trấn được tập huấn kiến thức về giám sát, chẩn đoán các bệnh, dịch nguy hiểm và bệnh dịch thường gặp trên địa bàn huyện Bắc Mê.

- Từ 95% trở lên trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm cơ bản; 95% trở lên trẻ 18 tháng tuổi được tiêm vắc xin sởi - rubella và DPT; 95% trẻ 1-5 tuổi được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản mũi 2 và 3; 80% trở lên phụ nữ có thai được tiêm đủ liều vắc xin phòng uốn ván.

- 100% xã, thị trấn triển khai hoạt động giám sát thường xuyên, phát hiện và thông báo kịp thời các ca bệnh truyền nhiễm nghi dịch.

- 100% các ca bệnh truyền nhiễm nghi dịch được giám sát, phát hiện, thông báo, điều tra xác minh kịp thời; ít nhất 80% ca bệnh được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định.

- 100% ổ dịch phát hiện được xử lý lịp thời và đúng quy trình xử lý ổ dịch; không để lan rộng ra trên địa bàn.

- 100% ổ dịch cũ của bệnh sốt rét được giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống (tẩm màn, phun hóa chất diệt muỗi); 100% ca bệnh nghi ngờ sốt rét được lấy lam máu xét nghiệm chẩn đoán. Thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch đúng quy trình khi có dịch xảy ra.

- Ban chỉ đạo huyện thực hiện tốt công tác giám sát các xã, thị trấn 1 năm 2 lượt.

- Các xã, thị trấn duy trì tốt công tác báo cáo phần mềm các bệnh truyền nhiễm đúng thời hạn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

2. Các hoạt động theo tình huống cụ thể

2.1. Khi chưa có dịch xảy ra

2.1.1. Tổ chức chỉ đạo, điều hành

a) Ban chỉ đạo huyện:

- Củng cố và kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân trong hoạt động chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh huyện.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch huyện năm 2018; bố trí ngân sách cho hoạt động phòng chống dịch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động có kế hoạch.

- Chỉ đạo hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho các xã, thị trấn thực hiện công tác phòng, chống dịch; báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn theo quy định.

- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện các nội dung:

+ Củng cố, kiện toàn BCĐ chăm sóc sức khỏe nhân dân xã, thị trấn (gọi chung là xã).

+ Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cấp xã.

+ Chỉ đạo Trạm Y tế, Phòng khám ĐKKV tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh, tổ chức điều tra, phát hiện, cách ly đối tượng mắc, nghi ngờ mắc bệnh và thực hiện công tác báo cáo dịch bệnh theo quy định.

+ Tổ chức tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường và các biện pháp phòng, chống dịch.

b) Ban điều hành phòng chống dịch huyện

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo huyện chỉ đạo các ngành thành viên BCĐ, UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện công tác báo cáo theo quy định.

- Ban hành văn bản chỉ đạo các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực lập kế hoạch và triển khai các hoạt động chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

- Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNN&PTNN ngày 27/5/2013 của Liên Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

- Tổ chức họp đánh giá tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch định kỳ hoặc đột xuất.

2.1.2. Thông tin tuyên truyền

Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, xã, thị trấn qua hệ thống loa truyền thanh tuyến xã và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng về nguy cơ và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác vệ sinh phòng bệnh.

- Trung tâm Y tế là đầu mối phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện:

+ Phối hợp triển khai hệ thống văn bản chỉ đạo và hướng dẫn triển khai các hoạt động liên quan đến phòng chống dịch và ngộ độc thực phấm.

+ Phối hợp triển khai hoạt động tuyên truyền hưởng ứng các phong trào vệ sinh phòng bệnh: Hưởng ứng “Tuần lễ Nước sạch và vệ sinh môi trường”; “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”; “Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”; “Ngày thế giới phòng chống bệnh sốt rét”; “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại”; “Ngày ASEAN phòng chống bệnh sốt xuất huyết”...

2.1.3. Hoạt động chuyên môn

a) Đào tạo, tập huấn:

* Tập huấn về giám sát và đáp ứng phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm:

- Số lớp: 01 lớp tổ chức tại huyện.

- Thành phần:

+ Cán bộ thực hiện công tác phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm từ huyện đến xã.

+ Cán bộ Đội chống dịch cơ động, Đội điều trị cơ động huyện.

- Nội dung tập huấn:

+ Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Nghị định của Chính phủ, các quyết định, Thông tư hướng dẫn… thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh.

+ Các quy trình giám sát, chẩn đoán, điều trị và xử lý ổ dịch, tập huấn cập nhật phác đồ điều trị mới cho cán bộ làm công tác phòng chống dịch.

+ Kỹ năng truyền thông về phòng chống dịch.

+ Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng.

* Tập huấn liên ngành Y tế - Thú y:

- Số lớp: 01 lớp tại huyện.

- Thành phần:

+ Cán bộ phụ trách công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm huyện, xã.

+ Cán bộ Trạm Thú y huyện, xã.

- Nội dung tập huấn:

+ Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người.

+ Các quy trình giám sát, chẩn đoán, điều trị và xử lý ổ dịch, bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người.

* Tiêm chủng phòng bệnh:

- Tổ chức 01 hội nghị tuyến huyện triển khai kế hoạch tiêm chủng mở rộng và kế hoạch tiêm chủng bổ sung năm 2018.

- Tổ chức 01 lớp tập huấn về quản lý và thực hành tiêm chủng mở rộng tại huyện.

- Thực hiện ít nhất 04 bài truyền thông về tiêm chủng trên hệ thống thông tin đại chúng.

- Duy trì hoạt động tiêm chủng mở rộng thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh các vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cơ bản cho trẻ em và phụ nữ; đảm bảo từ 95% trở lên trẻ đối tượng được tiêm đầy đủ các vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm theo quy định của chương trình và từ 85% trở lên phụ nữ có thai được tiêm đủ liều vắc xin uốn ván. Đưa vắc xin bại liệt tiêm IPV vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 5 tháng tuổi trên toàn huyện theo chỉ đạo của Sở Y tế.

- Rà soát và xác định vùng có nguy cơ xảy ra dịch do tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng thấp để triển khai các kế hoạch tiêm chủng bổ sung hoặc các kế hoạch tiêm vét.

- Thực hiện ít nhất 04 đợt giám sát hỗ trợ công tác quản lý và tổ chức tiêm chủng tại 13/13 xã, thị trấn.

- Duy trì thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

- Đảm bảo vắc xin, vật tư tiêm chủng, sổ tiêm chủng cá nhân cho hoạt động tiêm chủng.

- Duy trì triển khai tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dịch vụ tại Trung tâm Y tế huyện.

- Tiếp tục hỗ trợ tiêm vắc xin và huyết thanh điều trị dự phòng bệnh dại miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và người thuộc hộ nghèo trong huyện.

b) Công tác điều trị:

- Kiện toàn đội điều trị tại bệnh viện và đội điều trị cơ động, sẵn sàng chi viện cho trạm y tế xã, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực khi có yêu cầu.

- Bố trí khu cách ly của bệnh viện, chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu, xe cứu thương đảm bảo công tác khám chữa bệnh.

- Chuẩn bị phương tiện trang bị phòng hộ cho cán bộ y tế.

- Xây dựng phương án duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch xảy ra.

c) Kiểm tra, giám sát, điều tra xác minh ca bệnh:

- Điều tra xác minh bệnh truyền nhiễm gây dịch khi có thông báo ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm từ các trạm y tế xã, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực.

- Thực hiện điều tra xác minh ca bệnh người tiếp xúc, hồi cứu tử vong, các yếu tố dịch tễ liên quan, lấy mẫu bệnh phẩm, xử lý ổ dịch... theo quy định của Bộ Y tế.

- Kiểm tra giám sát thường xuyên về công tác phòng chống dịch bệnh trên người tại: Ban chỉ đạo, Ban điều hành huyện kiểm tra tại các xã, thị trấn. Thời gian thực hiện ít nhất 2 đợt/năm.

d) Nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm

Phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện đa khoa huyện đảm bảo yêu cầu về an toàn sinh học và đủ năng lực lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu ca bệnh nghi dịch, bệnh truyền nhiễm.

đ) Thông tin báo cáo dịch

Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT, ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế. Thực hiện báo cáo bằng phần mềm trực tuyến tại tuyến tỉnh và huyện. Kết nối báo cáo dịch, bệnh truyền nhiễm trên phần mềm liên thông tuyến xã, thị trấn.

2.1.4. Phối hợp liên ngành

- Trung tâm Y tế huyện:

+ Chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan giám sát chặt chẽ các bệnh, dịch ở người lây truyền từ gia súc, gia cầm...

+ Phối hợp với các ngành có liên quan triển khai biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường, xử lý môi trường, đảm bảo an ninh trật tự khi có dịch xảy ra.

- Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Trung tâm Y tế và các ngành có liên quan tiếp tục thực hiện Nghị định 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng chống bệnh dại ở động vật; Thông tư 07/2016/TT- BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; phối hợp với Trung tâm Y tế thực hiện Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BYT- BNNPTNT, ngày 27/5/2013 về việc phối hợp phòng, chống bệnh lây từ động vật sang người.

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Công an huyện và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn.

- Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Du lịch chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế và các ngành có liên quan trong công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh và cách phòng chống.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Trung tâm Y tế chỉ đạo các trường học trên địa bàn toàn huyện triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 quy định về công tác y tế trường học; phối hợp triển khai các kế hoạch tiêm chủng bổ sung, các phong trào vệ sinh phòng bệnh tại trường học.

2.1.5. Đầu tư tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm chẩn đoán; khu cách ly... sẵn sàng triển khai công tác phòng chống dịch.

- Bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động phòng chống dịch bệnh chủ động của Ban chỉ đạo, Ban điều hành phòng chống dịch huyện khi chưa có dịch và khi có dịch xảy ra.

2.2. Khi có dịch xảy ra

2.2.1. Tổ chức chỉ đạo

Tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo, Ban điều hành phòng chống dịch bệnh ở người của huyện tùy theo quy mô và mức độ dịch.

2.2.2. Công tác dự phòng

- Triển khai hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ; cách ly, xử lý những đối tượng mắc bệnh và báo cáo khẩn cấp theo quy định.

- Khoanh vùng, triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định về mức độ dịch. Triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung tại khu vực vùng dịch và lân cận nhằm chống dịch bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh theo chỉ đạo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Sở Y tế Hà Giang.

- Khử và tiệt trùng nơi có mầm bệnh và nơi có nguy cơ mầm bệnh tiềm ẩn.

- Đảm bảo vật tư thuốc, trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh theo nhu cầu thực tế.

- Phối hợp với các ngành giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Huy động lực lượng Y tế, Quân đội, Công an và các tổ chức đoàn thể tại huyện tham gia các hoạt động chống dịch như: Điều trị, vận chuyển thuốc, trang thiết bị, vận chuyển người bệnh, xử lý thi hài người bệnh tử vong, cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân, người bệnh tại vùng dịch...

- Nghiêm túc thực hiện hệ thống thông tin báo cáo theo giờ, ngày với UBND huyện và Sở Y tế.

2.2.3. Công tác điều trị

- Huy động cán bộ chuyên môn và đảm bảo thuốc và thiết bị y tế để cấp cứu, điều trị nguời bệnh.

- Đảm bảo đầy đủ phương tiện phòng hộ cho cán bộ y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh; người tiếp xúc với người bệnh.

- Tổ chức quản lý, cách ly và điều trị kịp thời người bệnh.

- Bệnh viện huyện bố trí khu điều trị cách ly riêng biệt với số giường ít nhất từ 10 - 20 giường.

- Có phương án xây dựng bệnh viện dã chiến tại huyện để đáp ứng công tác thu dung và điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.

- Chuyển bệnh nhân về tuyến tỉnh trong trường hợp bệnh viện quá tải hoặc không đủ điều kiện phương tiện và kỹ thuật để điều trị.

2.2.4. Thông tin, tuyên truyền

- Tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp phòng chống dịch, nhưng tránh gây hoang mang, dao động trong nhân dân.

- Tuyên truyền cho người dân các xã không có dịch hạn chế đi đến các xã khác, huyện khác có dịch nếu chưa thực sự cần thiết.

3. Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương, trong đó:

3.1. Kinh phí bảo đảm khi chưa có dịch xảy ra: 50.356.000 đồng.

3.2. Kinh phí bảo đảm khỉ có dịch bệnh xảy ra: 120.000.000 đồng.

4. Tổ chức thực hiện

- Các ngành thành viên Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.

- Giao cho Trung tâm Y tế, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo huyện, đôn đốc các ngành, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện và Sở Y tế theo quy định.

Trên đây là kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người năm 2018 huyện Bắc Mê. Các cơ quan ban, ngành, đơn vị, UBND các xã, thị trấn căn cứ kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân huyện để xem xét giải quyết.

 

Nội dung chi tiết Kế hoạch số 46/KH-UBND tải về tại đây.


Tin khác

Thống kê truy cập