Thông tin tuyên truyền

Hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí thực hiện xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020

12/02/2018 00:00 84 lượt xem

Ngày 08/02, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang đã ban hành Hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí thực hiện xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 (Hướng dẫn số 03/HD-SNN-KTHT).

Nội dung chủ yếu như sau:

Căn cứ Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Hà Giang, Quyết định Ban hành bộ tiêu chí thực hiện xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí thực hiện xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 như sau:

I. Nội dung đánh giá tiêu chí

1. Tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất

- Đối với xã: Có Hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; Thực hiện theo Văn bản số 527/SNN-KTHT ngày 8/5/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới do ngành phụ trách. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn từ 2 - 3 HTX, tổ hợp tác kiện toàn, củng cố để nâng cao năng lực giúp họ phát triển trên nền tảng của chính họ, để họ tự phát triển vươn lên. Các thôn bản, các nhóm hộ có điều kiện thuận lợi để sản xuất tập trung đều được thành lập các tổ sản xuất, các nhóm sở thích phát triển kinh tế hộ gia đình (trừ những hộ sinh sống ở quá xa và quá rải rác).

- Đối với thôn: Có Tổ hợp tác sản xuất thôn bản hoạt động hiệu quả, các nội dung đạt được gồm:

+ Tổ hợp tác thành lập tại thôn được UBND xã quyết định thành lập hoặc thành lập theo Nghị định 151/NĐ-CP của Chính phủ.

+ Tổ hợp tác có kế hoạch để chỉ đạo người dân trong thôn tổ chức sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tập trung chủ yếu (02 cây, 03 con) hoặc theo quy hoạch về phát triển các cây, con có thế mạnh của huyện.

- Hồ sơ, thủ tục thẩm định, đánh giá tiêu chí: Đánh giá mức độ đạt, chưa đạt tiêu chí gồm trình tự thủ tục các bước thành lập, HTX và tổ hợp tác theo Bộ tài liệu hoá về thành lập hợp tác xã theo mô hình thôn Chang và Công văn số 60/CV-SNN ngày 21/01/2015 của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang hướng dẫn thành lập, củng cố tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp thôn bản).

2. Tiêu chí liên kết sản xuất với các tổ chức, cá nhân

- Xã có mô hình liên kết với các tổ chức, cá nhân để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phâm cho người dân.

- Thôn có tổ hợp tác làm đầu mối liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Thực hiện liên kết thông qua hợp đồng; tập trung chế biến sản phẩm sau thu hoạch tạo ra sản phẩm sạch an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các điều khoản liên kết do các bên tự thỏa thuận, thống nhất trên nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo hài hòa về lợi ích của các bên tham gia.

- Hồ sơ, thủ tục thẩm định, đánh giá tiêu chí: Đánh giá mức độ đạt, chưa đạt tiêu chí gồm: Danh sách người dân tham gia liên kết; hợp đồng liên kết giữa các bên (cung ứng giống, vật tư, thu mua sản phẩm...); thời gian liên kết ít nhất từ một vụ, năm sản xuất trở lên (căn cứ vào hợp đồng liên kết), kết quả, giá trị liên kết đạt được sau vụ, năm sản xuất.

3. Tiêu chí sản phẩm đặc thù và tiêu thụ

- Sản phẩm “đặc thù” là sản phẩm có ưu thế phát triển tại địa phương, có đặc trưng, đặc điểm riêng biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác, được lưu truyền, phát triển và được cộng đồng dân cư công nhận. Sản phẩm đó có khả năng trở thành hàng hóa cho thu nhập chính (cam sành, mật ong bạc hà, miến dong Gia Long, gạo Già Dui, rượu thóc Nàng Đôn, chè shan tuyết, lợn đen địa phương, chế biến tinh dầu hồi, dược liệu...).

- Hồ sơ, thủ tục thẩm định, đánh giá tiêu chí: Đánh giá mức độ đạt, chưa đạt tiêu chí tùy theo sản phẩm đó sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc VietGAP có gắn tem, nhãn mác, bao bì. Có sổ sách theo dõi, khối lượng sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường theo từng vụ, năm sản xuất.

4. Tiêu chí cánh đồng mẫu

- Thực hiện theo Hướng dẫn số 03/HD-SNN ngày 31/5/2017, Hướng dẫn trình tự thực hiện cánh đồng mẫu trong nông nghiệp; số 01/HD-SNN-TTBVTV, ngày 04/01/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện tiêu chí xây dựng cánh đồng mẫu trong nông nghiệp - năm 2018.

- Hồ sơ, thủ tục thẩm định, đánh giá tiêu chí: Đánh giá mức độ đạt, chưa đạt theo Hướng dẫn số 03/HD-SNN ngày 31/5/2017, số 01/HD-SNN-TTBVTV, ngày 04/01/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT, báo cáo kết quả thực hiện của thôn, xã, họp dân để thẩm định, đánh giá tiêu chí.

5. Tiêu chí dồn điền đổi thửa

- Dồn điền đổi thửa thực chất là việc chuyển đổi đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất trồng các loại cây trồng cạn hàng năm) từ nhiều ô thửa nhỏ, thành ô thửa lớn giữa những người sử dụng đất với nhau bằng hình thức giảm bờ thửa, kiến thiết lại bờ vùng phù hợp với giao thông và kênh mương nội đồng, thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất thâm canh, tăng năng suất.

- Chỉnh trang đồng ruộng là việc cải tạo lại mặt bằng đồng ruộng cho đồng đều; di dời mồ mả, các công trình khác trên đồng ruộng... ra khỏi đồng ruộng để xây dựng hệ thống các bờ vùng, bờ thửa, kênh mương thủy lợi phù hợp nhằm tạo thuận lợi trong canh tác, thực hiện cơ giới hóa và tưới tiêu chủ động.

- Hồ sơ, thủ tục thẩm định, đánh giá tiêu chí: Đánh giá mức độ đạt, chưa đạt do thôn, xã đánh giá; tổng hợp kết quả đánh giá, tổ chức họp dân để lấy ý kiến và biểu quyết mức độ đạt tiêu chí. Căn cứ vào kết quả hiệu quả thực tế sau khi dồn điền đổi thừa theo phưomg án được duyệt số ô, bờ, thửa nhỏ giảm bao nhiêu?, diện tích tăng?, giảm, xây dựng hệ thống các bờ vùng, bờ thửa, kênh mương thủy lợi phù hợp thuận lợi trong canh tác.

6. Tiêu chí tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2020

- Tỷ lệ (%) cơ giới hóa tại các thôn, xã điển hình về phát triển kinh tế gồm các khâu sản xuất bằng máy như: Làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến thô, xanh thức ăn chăn nuôi....

- Hồ sơ, thủ tục thẩm định, đánh giá tiêu chí: Đánh giá mức độ đạt, chưa đạt là căn cứ vào kết quả hiệu quả thực tế do thôn, xã đánh giá, tổng hợp kết quả đánh giá, tổ chức họp dân để lấy ý kiến và biểu quyết mức độ đạt tiêu chí.

II. Tổ chức thực hiện

Căn cứ nội dung đánh giá tiêu chí tại mục I nêu trên, đề nghị các huyện, thành phố:

1. Có trách nhiệm tham mưu đề xuất báo cáo cấp ủy Đảng thực hiện nhiệm vụ hàng năm; ban hành kế hoạch, nghị quyết chuyên đề hoặc chương trình để triển khai thực hiện kế hoạch.

2. Phân công cụ thể cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành huyện, thành ủy phụ trách từng xã, thôn thực hiện điển hình về phát triển kinh tế, gắn với nhiệm vụ, chỉ tiêu cho các đơn vị chuyên môn, các xã. Xác định rõ về vai trò, trách nhiệm chính của cấp ủy, chính quyền, chi bộ thôn trong lãnh chỉ đạo xây dựng xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế; nắm bắt kịp thời, chặt chẽ, thống nhất xuyên suốt trong Chi, Đảng bộ (đây là thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020).

3. Quá trình lãnh, chỉ đạo thực hiện gắn kết và phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động các hội viên tham gia vào thực hiện. Hàng tháng, các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức giao ban để đánh giá quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

4. Nhiệm vụ xây dựng xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế chủ yếu được triển khai thực hiện tại cơ sở, được cộng đồng người dân trong thôn trực tiếp tham gia, do vậy đòi hỏi ngoài cộng đồng tham gia đánh giá cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp, thường xuyên của các phòng, ban chuyên môn. Hàng năm tham mưu cho UBND huyện đánh giá tiêu chí và công nhận kết quả đạt được của từng nội dung, tiêu chí theo Quyết định số “127” đối với xã, thôn đạt điển hình về phát triển kinh tế, cụ thể:

+ Đối với cấp xã: Thành lập tổ (hoặc hội đồng) để đánh giá tiêu chí trong bộ tiêu chí của tỉnh; tổng hợp kết quả, xây dựng thành hồ sơ, báo cáo và đề nghị UBND huyện thẩm định, đánh giá các tiêu chí của xã, thôn thực hiện điển hình về phát triển kinh tế.

+ Đối với cấp huyện: Thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá và công nhận hàng năm và giai đoạn 2017 - 2020 tiêu chí xã, thôn thực hiện điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Thành phần tham gia Hội đồng do huyện lựa chọn, Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND huyện, thành viên Hội đồng là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn huyện, phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế là cơ quan chủ trì, tổng hợp chung. Hội đồng của huyện có nhiệm vụ thẩm định, đánh giá các tiêu chí theo đề nghị của xã; tổng hợp, báo cáo, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và công nhận tiêu chí.

+ Thời gian đánh giá tiêu chí sao cho phù hợp, tập trung vào các tháng, quí trong năm khi kết thúc mùa vụ, chu kỳ sản xuất, chăn nuôi... Kết quả được tổng hợp, báo cáo kịp thời, theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh mới, có vướng mắc hoặc có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đề nghị các huyện, thành phố kịp thời phản ánh, đề xuất về Sở Nông nghiệp và PTNT để chỉnh sửa, bổ sung giải quyết vấn đề phát sinh; nghiên cứu, nhân rộng cách làm.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 04/HD-SNN ngày 28/7/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện “mỗi huyện có một xã, xã có một thôn” điển hình về phát triển kinh tế giai đoạn 2017 - 2020.

 

Nội dung chi tiết Hướng dẫn số 03/HD-SNN-KTHT tải về tại đây.


Tin khác

Thống kê truy cập