Thông tin tuyên truyền

Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018

10/02/2018 00:00 151 lượt xem

Ngày 08/02, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 265/CT-CTUBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018.

Nội dung chủ yếu như sau:

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, tần suất và cấp độ gia tăng. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018, chủ động phòng tránh, ứng phó với các dạng thiên tai, đảm bảo an toàn về người và tài sản, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:

1. Các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra hoàn chỉnh phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018; xây dựng phương án cụ thể kèm theo những biện pháp phòng, chống các loại hình thiên tai, giá rét, hạn hán, nắng nóng, cháy rừng, gió lốc, mưa đá, lũ quét, ngập lụt, sạt lở trên từng địa bàn, lĩnh vực, đặc biệt bám sát phương án số 222/QĐ-UBND ngày 15/02/2016 của UBND tỉnh về Phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn, Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 24/01/2018 của UBND tỉnh.

2. Giao cho UBND các huyện, thành phố

- Tăng cường sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện, xã, thị trấn trong công tác phòng, tránh ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

-  Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống thiên tai (Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai; Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 Quy định sử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai) và các chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh; những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trách nhiệm và nghĩa vụ trong phòng, chống thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân.

- Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, mạng lưới cảnh báo, dự báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống. Thực hiện tốt công tác thường trực 24/24 giờ trong mùa cao điểm của mưa lũ.

- Phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh, tiếp tục quán triệt và tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” đối với các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai trên địa bàn.

- Khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để tuyên truyền, vận động những hộ dân chủ động di dời ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã xây dựng.

- Tập trung chỉ đạo việc thực hiện chằng néo an toàn nhà ở của nhân dân, kho tàng, trường học, trạm xá, các trạm phát thanh truyền hình, thông tin viễn thông; sự an toàn hành lang lưới điện, hành lang giao thông; cây xanh đại thụ tại các khu công sở, công trình phúc lợi công cộng, khu dân cư..., đảm bảo an toàn trong phòng tránh thiệt hại do gió lốc, sét đánh, lũ lụt, sạt lở.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát xác định những địa điểm thường xuyên xảy ra thiếu nước, giữ gìn và sử dụng nguồn nước tiết kiệm; chủ động phương án phòng chống hạn, chuyển đổi diện tích cây trồng phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh.

- Thường xuyên kiểm tra các hồ đập thủy lợi, thủy điện, điều tiết nước hợp lý phòng chống hạn, đảm bảo phát điện kết hợp cấp nước phục vụ sản xuất và an toàn trong mùa mưa lũ.

3. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời tiết, kịp thời cảnh báo sớm và chính xác về khả năng xảy ra các loại hình thiên tai cho UBND tỉnh, các ngành liên quan, các huyện, thành phố dự báo chịu ảnh hưởng để tập trung chỉ đạo, ứng phó kịp thời.

4. Các lực lượng vũ trang: Quân sự, Công an, Biên phòng chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc để xây dựng phương án hiệp đồng cụ thể với các ngành liên quan, chính quyền cơ sở, đảm bảo lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ ứng cứu, chi viện kịp thời và hiệu quả khi có thiên tai xảy ra.

5. Đề nghị ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho các hội viên của mình những kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai để tham gia phòng, tránh có hiệu quả.

6. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và địa bàn phân công phụ trách, trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra. Chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc và các đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia ứng cứu, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường khi có yêu cầu.

Nội dung chi tiết Chỉ thị số 265/CT-CTUBND tải về tại đây.


Tin khác

Thống kê truy cập