Thông tin tuyên truyền

Bắc Mê sẵn sàng cho các hoạt động văn hóa, du lịch, Hội thảo di tích lịch sử văn hóa Căng gắn với Lễ hội đua mảng năm 2018

06/11/2018 00:00 195 lượt xem

Để chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa, du lịch, Hội thảo di tích lịch sử văn hóa Căng Bắc Mê gắn với Lễ hội đua mảng năm 2018. Huyện Bắc Mê đã thành lập Ban chỉ đạo, huy động lực lượng tập trung chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Mặt Bằng sân vận động trung tâm huyện, khu vực khán đài sát bờ Sông Gâm và các địa điểm thuộc địa bàn thị trấn, khu vực Căng, địa điểm đua mảng được tu sửa, dọn dẹp đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường, đáp ứng các điều kiện cần thiết phục vụ cho Lễ khai mạc và hoạt động thi đấu, khu vực diễn ra hội thảo và trưng bày không gian văn hóa du lịch.

Lễ hội Đua mảng huyện Bắc Mê lần thứ III đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa của huyện.  Là một trong các lễ hội truyền thống của địa phương. Phần lễ là nghi thức cúng Vượt sông với ý nghĩa để cầu bình an khi qua sông, suối, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, được tiến hành theo hình thức trình diễn trên sân khấu. Phần hội là phần tổ chức thi đua mảng nhằm khơi dậy những giá trị truyền thống, tập quán lao động sản xuất gắn với sông nước của người dân. Tham gia lễ hội Đua mảng năm nay có 20 đội đến từ các xã, thị trấn trong huyện. Bên cạnh đó Ban tổ chức còn mời các đội đến từ huyện Na Hang, Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang, huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, huyện Quang Bình cùng tham gia. Mỗi đội đua có 5 thành viên, trải qua quãng đường đua với chiều dài 1.200 mét để tìm ra đội thắng cuộc. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội đã hoàn tất. Công tác tuyên truyền, quảng bá cho lễ hội được Phòng Văn hoá và Thông tin và Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Du lịch huyện triển khai thực hiện ngay từ trung tuần tháng 10. Trên tất cả các đường trục chính trung tâm huyện đều có các băng rôn, khẩu hiệu và tranh cổ động trực quan. Lễ hội Đua mảng là sự kiện văn hoá được tổ chức với quy mô lớn của huyện, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Bởi vậy, công tác đảm bảo cơ sở vật chất, chỗ ăn ngủ, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, hậu cần, y tế đã được các cấp, các ngành huyện Bắc Mê xây dựng kế hoạch chi tiết và chu đáo.

Khu di tích lịch sử Căng Bắc Mê

Cùng với hoạt động Lễ hội đua mảng huyện Bắc Mê còn tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử Quốc gia Căng Bắc Mê. Được khai mạc và tổ chức tại hội trường Trường tiểu học Trần Quốc Toản thị trấn Yên Phú, nhằm tiếp tục sưu tầm những giá trị lịch sử của khu di tích với sự tham dự của nhiều nhân chứng lịch sử, đây là dịp để huyện vừa quảng bá sản phẩm du lịch vừa bổ sung những giá trị lịch sử, nhằm xây dựng cuốn sách truyền thống để giáo dục cho các thế hệ con cháu mai sau. Được biết đến là một di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1938 thực dân Pháp cho xây dựng Căng Bắc Mê với mục đích biến nơi đây thành trại lính, địa bàn đóng quân và quan sát. Trong giai đoạn từ năm 1939 đến 1942, Căng Bắc Mê là nhà tù giam giữ các đồng chí cộng sản, tiêu biểu như: Xuân Thủy, Hoàng Hữu Nam, Hoàng Bắc Dũng, Lê Giản, Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu…Căng Bắc Mê có hệ thống tường thành dài 190m, dày 40cm và cao 2m. Xung quanh hệ thống tường thành là các lỗ châu mai, mỗi lỗ cách nhau khoảng 5 đến 10m. Bên trong Căng Bắc Mê là các đồn bốt, vọng gác, nhà thông tin và hệ thống nhà giam giữ tù binh mà thực dân Pháp dùng để nhốt các chiến sĩ cộng sản. Về cơ bản nơi đây là vùng đất có vị thế thuận lợi, căng được xây dựng trên sườn núi Rồng này đã giúp thực dân Pháp kiểm soát ba tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng. Căng Bắc Mê có ý nghĩa lịch sử và giá trị to lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bởi nơi đây đã trở thành trường học chính trị, là nơi tuyên truyền ý chí cách mạng, giáo dục tư tưởng chính trị cho chính các chiến sĩ cách mạngMột trong những hoạt động cùng diễn ra trong thời này đó là việc trưng bày không gian văn hóa Du lịch đến với không gian trưng bày, công chúng và du khách sẽ khám phá không gian văn hóa hết sức đặc sắc và phong phú, phản ánh sinh động, đa dạng kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Mê, với những giá trị từ trang phục truyền thống, dụng cụ sinh hoạt, sản phẩm nghề thủ công, nghi lễ tín ngưỡng dân gian, nhạc cụ dân tộc, lễ hội truyền thống, ẩm thực. Đây là hoạt động thiết thực, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Đồng thời, sẽ là dịp để các xã, thị trấn trên địa bàn huyện giới thiệu những nét đặc trưng, bản sắc truyền thống; tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, tạo sự liên kết trong phát triển du lịch, góp phần thực hiện có hiệu quả, bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Ngày hội không gian trưng bày lần này sẽ giới thiệu hình ảnh, hiện vật tiêu biểu trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, trang phục, lễ hội, ẩm thực… của đồng bào dân tộc. Qua đó tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật; thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống trong cộng đồng các dân tộc của huyên Bắc Mê.

Một trong những phong cảnh đẹp trên tuyến du lịch lòng hồ Sông Gâm

Một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của chuỗi các sự kiện các hoạt động văn hóa năm nay, huyện còn tổ chức các tua du lịch trải nghiệm thực tế, kết nối du lịch vùng nội tỉnh và ngoại tỉnh vùng lòng hồ với huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, treo đường thủy, nội địa. Đây là một tuyến du lịch với diện tích mặt nước lòng hồ rộng lớn, có quang cảnh thiên nhiên đẹp với những khu rừng nguyên sinh cùng nhiều loại động vật, gỗ quý hiếm, có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như hang động, thác nước, Đền thờ văn hóa tâm linh, dọc hai bên bờ sông Gâm, dọc tuyến lòng hồ thủy điện Tuyên Quang và Hồ Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh đó là tuyến du lịch đường bộ giữa huyện Bắc Mê, với huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng và cao nguyên đá huyện Đồng Văn. Cùng trong thời gian này huyện còn tổ chức Hội chợ thương mại năm 2018.

Nhìn chung đến nay công tác chuẩn bị cho Lễ hội đua mảng, Hội thảo khoa học di tích lịch sử Căng Bắc, và không gian trưng bày văn hóa du lịch của huyện đã cơ bản hoàn thành, từ khâu tuyên truyền, cơ sở vật chất thi đấu, đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, công tác hậu cần, y tế…..được triển khai theo đúng kế hoạch. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chắc chắn Lễ hội đua mảng, hội thảo khoa học di tích lịch sử Căng và không gian trưng bày văn hóa Năm 2018 sẽ thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương.

1. Ngày 7/11/1018

Tổ chức hội chợ thương mại huyện Bắc Mê năm 2018, khai mạc 19h30p tại sân vận động tung tâm huyện

2 Ngày 9/11/2018

-Từ 7h30 Trung bày không gian văn hóa, sản phẩm du lịch, tại sân vận động tung tâm huyện

-Từ 13h30 đến 17h30 đón tiếp đại biểu và thăm Căng Bắc Mê

-19h30: Khai mạc không gian văn hóa và chương trình biểu diễn nghệ thuật tại sân vận động trung tâm huyện.

3. Ngày 10/11/2018

-7h30-9h30 khai mạc và tổ chức Lễ hội đua mảng

-Từ 9h35 – 11h30 thăm quan không gian văn hóa du lịch và chương trình tái hiện các Lễ hội truyền thống dân gian của các dân tộc trong huyện, tại khu vực sân vận động tung tâm và khu vực lòng hồ

-Từ 13h30: Tổ chức Hội thảo di tích lịch sử văn óa Căn Bắc Mê, tại hội trường UBND thị trấn Yên Phú

4. Ngày 11/11/2018

- Từ 7h00: Tổ chức các tua du lịch trải nghiệm thực tế kết nối vùng nội tỉnh và ngoại tỉnh gồm:

- Đường thủy nội dịa: Bắc Mê - Na Hang(Tuyên Quang) - Ba Bể (Bắc Kạn)

- Đường bộ: Bắc Mê - Bảo Lâm ( Cao Bằng) - Đồng Văn - Yên Minh - Quản Bạ - Thành phố Hà Giang.


Tin khác

Thống kê truy cập