Thông tin tuyên truyền

Đề án xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Bản Khén, Bản Noong xã Lạc Nông

12/07/2018 00:00 579 lượt xem

Ngày 11/7, UBND huyện Bắc Mê đã ban hành Đề án số 05/ĐA-UBND về xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Bản Khén, Bản Noong xã Lạc Nông. Nội dung chủ yếu như sau:

Phần thứ nhất:

MỞ ĐẦU

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thôn Bản Noong, Bản Khén thuộc xã Lạc Nông. Cơ quan hành chính của xã Lạc Nông nằm trên thôn Bản Noong. Hai thôn Bản Noong, Bản Khén nối liền nhau bởi 11 km đường nội thôn và có 8 km đường quốc lộ 34 chạy dọc qua hai thôn. Phía Tây giáp thôn Phia Vèn (hướng ra thành phố Hà Giang), phía Đông giáp thôn Nà Pâu (hướng đi trung tâm huyện và đi Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, cao nguyên đá Đồng Văn), phía Nam là lòng thuỷ điện sông Gâm và tiếp giáp với xã Thượng Tân (hướng đi Nà Hang, Lâm Bình - Tuyên Quang và Ba Bể - Bắc Kạn theo đường thuỷ), phía Bắc giáp xã Giáp Trung và xã Minh Sơn.

Thôn Bản Noong, Bản Khén có tổng diện tích đất tự nhiên là 3.995 ha, trong đó đất ruộng là 49,4 ha, đất trồng mầu 32,3 ha, rừng nguyên sinh và rừng kinh tế 3.905,7 ha. Tổng diện tích ao hồ 7,6 ha. Đặc biệt có chiều dài lòng hồ thuỷ điện Tuyên quang trên 10 km thuộc khu vực đầu nguồn vùng lòng hồ thủy điện. Trên 2 bờ thuỷ điện có nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm cần được bảo tồn và hệ thống hang động tập trung chủ yếu tại thôn Bản Noong, Bản Khén.

Hai thôn có tổng số hộ 166 = 765 khẩu với 5 dân tộc cùng chung sống, dân tộc Tày chiếm 92%, còn lại dân tộc khác như Kinh, Mường, Dao, Cao lan (dân tộc khác cơ bản tập trung ở các trường học).

Về tiềm năng văn hoá: Bản Noong, Bản Khén là một trong những vùng đất cổ của dân tộc Tày của huyện Bắc Mê, nơi đây có truyền thống văn hoá lâu đời và có lòng hiếu khách, hiền lành, thật thà; lưu giữ được khá nhiều phong tục tập quán tốt đẹp và những nét văn hóa cổ truyền như: Hát cọi, hát giao duyên, hát quan làng, hát si, hát lượn (của người Tày), lễ hội lồng tồng và nhiều tập tục tốt đẹp khác.

Về tiềm năng du lịch: Thiên nhiên đã ban tặng cho Bản Noong, Bản Khén cảnh quan hùng vĩ với dãy núi đá vôi dựng đứng, kéo dài ra thác Đổ thuộc lòng hồ thuỷ điện Nà Hang bao bọc hai thôn. Hệ thống hang động lung linh và huyền ảo. Rừng nguyên sinh với những hệ động, thực vật quý hiếm trong sách đỏ được bảo vệ nghiêm ngặt, đây sẽ là điểm đến thú vị cho khách du lịch đến trải nhiệm, dẫy núi đá vôi rừng nguyên sinh kéo dài theo hồ thuỷ điện giáp xã Minh Ngọc, Thượng Tân và sang đến chợ muối, kho muối và đường xếp đá cổ của người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1938 nằm trên địa phận thôn Bản Noong (đã đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt di tích lịch sử - văn hóa). Trên đỉnh núi mồ côi tại Bản Noong có ngôi đền cổ (đền Phia Lạn, thờ người sáng lập và bảo vệ làng), đây cũng là điểm đến cho du khách đến với du lịch tâm linh. Hệ thống giao thông nội thôn với chiều dài trên 8 km gắn kết các khu dân cư được chạy qua những cánh đồng lúa nước xanh mướt kết nối các các điểm như hồ câu cá, hang động, đền Phia Lạn và ra bến thuyền... Hệ thống nhà ở của người dân nơi đây vẫn còn giữ được nét nguyên sơ nhà sàn của dân tộc Tày.

Có thể khẳng định Bản Noong, Bản Khén hội tụ đầy đủ tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, du lịch lòng hồ, du lịch hang động, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng homestay và đặc biệt có nhiều địa điểm hấp dẫn có thể đầu tư phát triển thành điểm tham quan du lịch để từ đó hình thành và phát triển các tua du lịch lữ hành kết nối các điểm du lịch nội huyện như du lịch văn hoá lịch sử và đi tỉnh Cao Bằng, đi hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), cao nguyên đá Đồng Văn và tham quan, du lịch vùng lòng hồ thủy điện Na Hang và một số sản phẩm du lịch hấp dẫn khác.

II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN

1. Ngoài những ưu điểm nêu trên, hiện Bắc Mê còn gặp nhiều khó khăn về phát triển du lịch; không có cảnh quan nổi tiếng do thiên nhiên ban tặng; mực nước lòng hồ không duy trì ổn định, chỉ đáp ứng việc tham quan lòng hồ từ khoảng tháng 8 đến tháng 1 năm sau (nếu xuất phát từ trung tâm huyện). Huyện Bắc Mê không có nhiều điểm du lịch tự nhiên hấp dẫn du khách; chưa có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo đa dạng; các cơ sở lưu trú du lịch tuy đã có đầu tư nhưng còn thiếu và thấp kém; Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lữ hành còn ít và nhiều hạn chế; sự vào cuộc của người dân và các dịch vụ du lịch phát triển chậm.

2. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Mê nhiệm kỳ 2015 - 2020 lấy Du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Để tạo điểm nhấn cho du lịch Bắc Mê, từng bước kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện và các điểm du lịch nội, ngoại tỉnh như du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng... qua đó nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững. Phát triển du lịch phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và xu thế du lịch cộng đồng du lịch homestay, tạo thành tuor, tuyến. Thôn Bản Noong và Bản Khén thuộc xã Lạc Nông có điều kiện tự nhiên hội tụ tương đối thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng, leo núi, câu cá thư giãn, khám phá thăm hang động, đi xe đạp ngắm cảnh, du lịch lòng hồ, ngắm hoa dã quỳ, chụp hình lưu niệm...

3. Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân để bảo tồn, duy trì và phát triển giá trị văn hoá dân tộc là hết sức cần thiết và cấp bách; thu hút đầu tư phát triển du lịch góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

4. Việc triển khai thực hiện một Đề án phát triển du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Bản Noong, Bản Khén xã Lạc Nông nhằm tạo điểm nhấn tiền đề cho phát triển du lịch của huyện trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng, có tính khả thi và cần được xem xét, sớm triển khai tổ chức thực hiện.

III. NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Luật Du lịch số 09/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018;

2. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

3. Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

4. Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

5. Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

6. Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Mê khóa IX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển kinh tế - xã hội;

7. Chương trình số 62-CTr/TU ngày 29/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển văn hoá gắn với du lịch, giai đoạn 2013-2020;

8. Chương trình số 29-CTr/TU ngày 24/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

9. Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND ngày 21/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang;

10. Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

11. Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 08/8/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình số 29-CTr/TU ngày 24/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

12. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Mê đến năm 2020.

IV. TÊN GỌI CỦA ĐỀ ÁN

"Đề án xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn vói xây dựng nông thôn mới thôn Bản Noong, Bản Khén, xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê".

Phần thứ hai:

MỤC TIÊU, HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể dân tộc trên địa bàn xã Lạc Nông, bảo vệ môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái; khôi phục, bảo tồn và phát triển lễ hội, làng nghề truyền thống, bảo vệ các loài động, thực vật quí hiếm trong vùng rừng nguyên sinh và lưu vực sông Gâm đoạn chảy qua địa phận xã Lạc Nông nói riêng, huyện Bắc Mê nói chung.

2. Xã hội hóa việc xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm tại Bản Khén, Bản Noong xã Lạc Nông. Sử dụng nội lực để quảng bá hình ảnh của huyện, bắt kịp sự phát triển về du lịch của các địa phương trong và ngoài tỉnh; hội nhập, giao lưu và phát triển trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

3. Tạo điểm nhấn về cảnh quan độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân.

4. Góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc trong thôn, xã và trong huyện; đảm bảo ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

* Đối chiếu theo bộ tiêu chí xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Giang:

Tiêu chí số 1: Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, hiện nay 02 thôn còn 59/166 hộ nghèo.

Tiêu chí số 2: Đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú, có nhà văn hoá để sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đón tiếp khách đến tham quan và là nơi trưng bày sản phẩm của địa phương, sản phẩm du lịch. Có sân chơi thể thao. Tỷ lệ huy động trẻ từ 0 - 2 tuổi đi nhà trẻ đạt khoảng 30%, trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, học sinh trong độ tuổi đến trường đạt trên 98%, có nhân viên y tế thôn bản, có tủ thuốc thôn, có bà đỡ dân gian được đào tạo.

Tiêu chí số 3: Môi trường cảnh quan sạch đẹp. Đến nay cơ bản nhân dân đã di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà, có 25% hộ gia đình có công trình vệ sinh khép kín, vệ sinh sạch sẽ trong nhà và khu vực xung quanh, chất thải và nước thải được thu gom xử lý theo phương pháp truyền thống (chưa theo quy định). Có bể nước cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100%.

Tiêu chí số 4: Có làng nghề, khuyến khích phát triển những làng nghề mang tính truyền thống dân tộc như nghề rèn, đan lát và thêu thủ công.

Tiêu thí số 5: Đảm bảo phục vụ lưu trú cho khách du lịch đến tham quan nghỉ ngơi tại làng. Mỗi làng phục vụ lưu trú tối thiểu 10 - 20 người (có phòng riêng, phòng tập thể đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông), bố trí trang thiết bị thiết yếu như: chăn, ga, gối, đệm, màn... có thể nghỉ ngơi ở nhà dân hoặc nhà văn hoá cộng đồng, đối với các hộ dân được chọn để bố trí khách lưu trú phải đảm bảo đi lại thuận tiện, có lao động tham gia trực tiếp vào khai thác du lịch; nhà rộng rãi và được xây dựng theo thiết kế kiến trúc truyền thống, sắp đặt bố trí trang thiết bị trong nhà hợp lý nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.

Tiêu chí số 6: Có hội nghệ nhân dân gian hoạt động theo pháp luật, có đội văn nghệ dân gian thường xuyên biểu diễn phục vụ khách với những tiết mục đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc, mỗi buổi biểu diễn từ 3 -5 tiết mục. Có thể phục vụ món ăn ẩm thực đặc trưng của dân tộc với đội ngũ đầu bếp từ 3 - 5 người.

Tiêu chí số 7: Có cổng làng; có bảng thông tin hướng dẫn theo tiêu chí của xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới bằng 2 thứ tiếng (Việt, Anh); có hệ thống mạng Internet, có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, điện thoại, loa truyền thanh công cộng, bố trí tủ sách thư viện tại nhà văn hoá cộng đồng.

Tiêu chí số 8: Là làng đạt từ 50% trở lên tiêu chí xây dựng nông thôn mới; giá trị sản xuất bình quân có giá trị sản xuất trên 1 ha = 30 triệu đồng trở lên đối với làng văn hoá du lịch cộng đồng tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng cao, 50 triệu đồng đối với vùng động lực. Thu nhập bình quân đạt từ trên 28 triệu đồng/người/năm.

Tiêu chí số 9: Hệ thống đường giao thông nông thôn: Đường làng được trải nhựa hoặc bê tông hoặc trải cấp phối. 100% đường liên thôn liên xóm được bê tông hoá, có hệ thống điện thắp sáng đến từng hộ dân; 100% hệ thống kênh mương đảm bảo tưới tiêu cho 02 vụ và được kiên cố hoá.

Tiêu chí số 10: Đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại làng, có tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, không có người vi phạm pháp luật. Bảo vệ tốt tính mạng và tài sản cua du khách.

II. HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Hiệu quả kinh tế

- Giải quyết công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ. Trong đó lao động đã qua đào tạo chiếm 10% gồm: Quản lý hoạt động du lịch, nhà nghỉ homestay, lễ tân, phục vụ, đầu bếp, và hướng dẫn viên du lịch.

- Ước tính hàng năm sẽ có khoảng 3.000 lượt khách trở lên đến tham quan du lịch, ăn, nghỉ tại thôn; lượng du khách sẽ tăng dần qua các năm góp phần làm tăng thu nhập cho hàng trăm người dân tham gia các dịch vụ du lịch; thu nhập bình quân cho mỗi lao động trong các hoạt động dịch vụ, du lịch là trên 60 triệu đồng/năm.

2. Hiệu quả xã hội

Góp phần:

- Quảng bá tiềm năng du lịch, hình ảnh của con người, thôn Bản Noong, Bản Khén, xã Lạc Nông nói riêng, huyện Bắc Mê nói chung, thân thiện, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với du khách trong nước và Quốc tế.

- Thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các doanh nhiệp trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, lữ hành đến đầu tư tại huyện; thu hút lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch tại huyện;

- Giải quyết được công ăn, việc làm cho lao động đã qua đào tạo người địa phương; lao động nông nhàn, thời vụ có thêm thu nhập ổn định;

- Phát triển bền vững các loại hình du lịch gắn với kết nối các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh;

- Góp phần tích cực trong việc bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Phần thứ ba:

NỘI DUNG ĐỀ ÁN, PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN

I. PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG HOMESTAY, THAM QUAN, KHÁM PHÁ

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quảng bá xúc tiến du lịch

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã, thôn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu được là du lịch không của riêng ngành nào, cấp nào mà là lợi ích của mọi người để từ đó người dân trực tiếp tham gia hoặc gián tiếp tham gia để tạo hiệu ứng về mặt nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch;

Các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển du lịch của điểm du lịch văn hoá cộng đồng homestay Bản Noong, Bản Khén nói riêng và huyện Bắc Mê nói chung bằng nhiều hình thức, phương tiện để khách đến với điểm du lịch văn hoá cộng đồng homestay Bản Noong, Bản Khén và thu hút đầu tư phát triển;

2. Phát triển nguồn nhân lực

Con người là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của tổ chức, đặc biệt trong ngành du lịch. Bởi vậy, phải có nguồn lao động có chất lượng. Có chính sách đào tạo tại chỗ cho nguồn nhân lực trong quản lý du lịch, hướng dẫn viên, đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ... Hỗ trợ đào tạo cộng đồng kiến thức cơ bản nhất về chuyên môn nghiệp vụ du lịch theo hình thức “cầm tay chỉ việc” với khối lượng kiến thức đơn giản nhất và suốt một quá trình được lặp đi lặp lại.

Mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, nhận thức về khái niệm, quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch; kỹ năng, nghiệp vụ công tác du lịch, tinh thần thái độ phục vụ, phong cách ứng xử với khách tham quan, du lịch cho đội ngũ cán bộ tổ quản lý du lịch, khu danh thắng hang động... hướng dẫn viên, các cơ sơ lưu trú homestay, đầu bếp ẩm thực, chủ các phương tiện vận tải đường bộ, đường thuỷ và các tầng lớp nhân dân;

Thành lập tổ quản lý du lịch của thôn (từ ban quản lý thôn); có cơ chế khuyến khích thành lập HTX du lịch, dịch vụ.

3. Đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan, du lịch, làng văn hóa du lịch cộng đồng theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm

3.1. Có cơ chế khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng nâng cấp nhà ở thành cơ sở lưu trú homestay (nhà nghỉ cộng đồng) và các dịch vụ du lịch như: Dịch vụ ăn uống, điểm du lịch...

3.2. Bản Khén, Bản Noong xã Lạc Nông là 2 thôn của người dân tộc Tày, nằm dưới thung lũng từ km 40 đến km 46, có truyền thống văn hóa từ lâu, có nhiều diện tích lúa nước, rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh, có nhà sàn truyền thống, sự nhận thức và đời sống của nhân dân tương đối khá; có đường mòn đi bộ từ đỉnh dốc km 40 xuyên qua 2 thôn đến km 46 thì gặp quốc lộ 34 và có thể đi bộ ra sông Gâm, khu vực thác Núi Đổ ngắm cảnh và câu cá.

Đặc biệt trên đỉnh núi mồ côi giữa Bản Noong còn có đền Pia Lạc, đây là điểm đến thuận lợi cho du lịch tâm linh, thu hút khách đến với Bản Noong, Bản Khén, đó là yếu tố rất thuận lợi để đầu tư xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch tâm linh...

* Điểm khởi động: Là công tác tuyên truyền, vận động, thông báo chủ trương cho cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể của xã và toàn thể nhân dân 2 thôn biết, tham gia trực tiếp vào các phần việc để góp phần xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng homestay.

* Làm đường giao thông nội thôn phục vụ du lịch: Tiến hành làm đường đi bộ từ đỉnh km 40 xuống Bản Khén; 2 bên đường trồng hoa Dã Quỳ, làm điểm nhấn cho du khách và tạo sản phẩm du lịch đa dạng cho nông dân; lồng ghép nguồn vốn các chương trình để làm đường bê tông từ đường đi bộ km 40 đến đường nối thôn (Bản Khén) làm đường bê tông Bản Noong ra khu vực bến thuyền, điểm tiếp giáp với đường mòn ra sông Gâm (còn khoảng 2 km đường chưa được đầu tư) để phát triển dịch vụ thuê xe đạp, xe máy và dành cho người đi bộ tham quan ngắm cảnh. Đầu tư xây dựng bến thuyền phụ tại vị trí Bản Noong (Đường ra sông, khu vực chợ muối của nguời Pháp).

* Tạo sản phẩm du lịch: Chỉnh trang, tu sửa, tổng dọn vệ sinh các hộ gia đình, vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm để sẵn sàng đón tiếp khách du lịch. Thành lập các nhóm cho thuê xe, văn nghệ truyền thống, lễ hội, ẩm thực, hướng dẫn viên du lịch (người thôn sở tại) để phục vụ khi du khách có nhu cầu. Hướng dẫn nghiệp vụ du lịch cho từ 7 đến 10 hộ gia đình để có thể đón tiếp, phục vụ khách du lịch (kể cả khách quốc tế). Hỗ trợ kinh phí đầu tư cải tạo, cổ phần hóa (hoặc cho thuê) hồ cá nằm ở khu vực trung tâm thôn Bản Khén để thu hút khách đến câu cá, thư giãn, ngắm cảnh. Hỗ trợ người dân tham gia trồng hoa Dã Quỳ 2 bên đường nội thôn và đến khu tập trung trồng hoa tại 02 điểm của 2 thôn khoảng 4 ha để du khách chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm vào mùa hoa Dã Quỳ. Lồng ghép các chương trình mở đường đi bộ, cải tạo đường vào hang Dơi và hang Tình yêu để du khách thăm thú, trải nghiệm hang động. Khôi phục nghề rèn, mây tre đan tạo thành sản phẩm lưu niệm cho du khách. Chế biến sản phẩm từ lợn đen địa phương thành sản phẩm quà ẩm thực cho du khách như: thịt lợn chua đóng hộp, thịt lợn sấy ăn ngay trong bao bì hút chân không.

* Cơ chế: Có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí (hoặc lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới) để làm đường bê tông, kè bậc đá đường đi bộ, đường lên điểm hang động và điểm du lịch tâm linh, nhân dân đóng góp ngày công; sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thương mại du lịch và lồng ghép các chương trình khác để hỗ trợ một phần kinh phí cho một nhóm hộ gia đình (từ 7 đến 10 hộ) để tu sửa, chỉnh trang, bổ sung nội thất, làm đẹp nhà cửa đón khách. Hỗ trợ nhân dân trồng hoa ở 2 điểm tại trung tâm thung lũng tạo thành thung lũng hoa, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp. Tích cực trồng mới rừng cảnh quan, cây bóng mát, cây ăn quả, cây dược liệu.

III. LỘ TRÌNH, KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Thời gian cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Đề án

Hoàn thành trong tháng 6/2018.

2. Thời gian thực hiện phần III của Đề án

Xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Bản Noong, Bản Khén xã Lạc Nông huvện Bắc Mê.

Nội dung 1: Củng cố tổ quản lý du lịch xong trước 8/2018.

Nội dung 2: Đầu tư xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng homestay gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Bản Khén - Bản Noong xã Lạc Nông theo phương thức vừa đầu tư, vừa khai thác từ tháng 10 năm 2018. Hoàn thành năm 2020.

3. Khái toán: 5.760.000.000 đồng (năm tỉ bảy trăm sáu mươi triệu đồng Nhà nước hỗ trợ đầu tư).

3.1. Kinh phí làm đường bê tông: Tổng chiều dài 4 km thuộc Bản Khén, Bản Noong = 3.640.000.000 đồng (theo định mức nông thôn mới). Trong đó nhà nước hỗ trợ 2.600.000.000 đồng, nhân dân đóng góp 1.040.000.000 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý III năm 2018 đến hết năm 2019.

3.2. Hỗ trợ vật liệu (đá các loại) làm kè bậc đường đi bộ rộng l,5 m từ đỉnh dốc km 40 quốc lộ 34 đến chân núi (tiếp giáp với đường bê tông nội thôn). Uớc tổng chiều dài l,5 km = 300.000.000 đồng. (Trong đó có một phần vật liệu được tận dụng tại chỗ, nhân dân đóng góp công lao động). Thời gian thực hiện dự kiến từ quý III năm 2018 đến hết năm 2019.

3.3. Kinh phí hỗ trợ làm đường đi bộ lên hang và cải tạo hang động 500.000.000 đồng (nhân dân đóng góp công lao động). Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2020.

3.4. Kinh phí hỗ trợ 10 hộ gia đình mua sắm chăn, ga, gối, đệm, làm nhà vệ sinh, bể nước, nhà tắm: 400.000.000 đồng (đã có danh sách các hộ đăng ký tham gia). Dự kiến quý IV năm 2018.

3.5. Hỗ trợ đầu tư cải tạo hồ câu cá 50.000.000 đồng. Dự kiến thực hiện và hoàn thành từ quý II năm 2018 và hoàn thành tháng 6 năm 2019.

3.6. Kinh phí hỗ trợ trồng hoa 50.000.000 đồng. Dự kiến thực hiện tháng 9 năm 2018.

3.7. Công tác tuyên truyền, tập huấn 50.000.000 đồng. Dự kiến năm 2019.

3.8. Hỗ trợ vốn thành lập các tổ dịch vụ ẩm thực, văn hóa văn nghệ, cho thuê xe đạp 100.000.000 đồng. Dự kiến năm 2019.

3.9. Kinh phí hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống 100.000.000 đồng. Dự kiến năm 2020.

3.10. Kinh phí hỗ trợ công nghệ chế biến sản phẩm từ lợn thịt địa phương thành thịt hấp sấy ăn ngay trong bao bì hút chân không và thịt lợn chua đóng hộp: 100.000.000 đồng (tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm). Dự kiến thực hiện vào năm 2019.

3.11. Kinh phí xây dựng bến thuyền phụ: 300.000.000 đồng. Dự kiến thực hiện tháng 3 năm 2019.

3.12. Kinh phí tuyên truyền trực quan bằng pano tấm lớn và các biển chỉ dẫn: 200.000.000 đồng. Hoàn thành quý I năm 2019.

3.13. Kinh phí hỗ trợ cải tạo, nâng cấp nhà văn hoá 2 thôn, sân chơi thể thao 300.000.000 đồng.

3.14. Kinh phí làm 02 cổng làng: 60.000.000 đồng. Hoàn thành quý III năm 2019.

3.15. Kinh phí hỗ trợ xây lò xử lý đốt rác: 6 = 30.000.000 đồng. Hoàn thành quý IV năm 2019.

3.16. Đầu tư hỗ trợ nhà văn hoá truyền thống: 500.000.000 đồng. Dự kiến thực hiện năm 2020.

3.17. Kinh phí hỗ trợ tăng âm, loa đài, truyền thanh: 2 bộ = 100.000.000 đồng. Thực hiện năm 2019.

3.18. Xây dựng bảng tin: 10.000.000 đồng.

Phần thứ tư:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Đề án xây dựng làng văn hoá cộng đồng, homestay gắn với xây dựng nông thôn mới Bản Noong, Bản Khén xã Lạc Nông là đề án có tính khả thi cao, được nghiên cứu và khảo sát thực tế nghiêm túc.

I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng homestay gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Bản Noong, Bản Khén xã Lạc Nông

Phải nhận thức đầy đủ về xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng homestay gắn với xây dựng nông thôn mới là vấn đề quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giám nghèo.

Tổ chức cho nhân dân học tập, nâng cao hiểu biết và nhận thức cơ bản về công tác văn hoá du lịch, để cùng tham gia thực hiện.

Tập huấn cho nhân dân thôn Bản Noong, Bản Khén học tập cụ thể chi tiết các nội dung về văn hoá du lịch, mỗi người dân đều hiểu và tự hào phấn khởi về của thôn mình, qua đó tích cực tham gia công việc triển khai trong đề án, từ gia đình mình đến việc của thôn.

Cụ thể hoá các nội dung trong đề án đã đề ra, giao cho các ban ngành đoàn thể của xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát theo tiến độ đề ra.

Động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời những hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt công tác xây dựng của thôn.

2. Phòng Văn hoá và Thông tin

Xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên môn (Phòng Quản lý du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Hiệp hội Du lịch Hà Giang) để quảng bá, giới thiệu hình ảnh và thông tin du lịch cộng đồng cho 2 thôn Bản Noong, Bản Khén. Thường xuyên trao đổi chuyên môn nghiệp vụ cũng như tổ chức khảo sát, tư vấn cho các cơ quan chuyên môn về du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

3. Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Du lịch

Xây dựng kế hoạch triển khai bao gồm: Xây dựng kế hoạch bảo tồn và truyền dạy văn hoá dân gian cho 2 thôn cũng như xây dựng đội văn nghệ dân gian phục vụ cho du lịch.

4. Phòng Kinh tế và Hạ tầng

Xây dựng kế hoạch của ngành bao gồm: Đường giao thông nội thôn và đến các điểm tham quan, các hạng mục xây dựng hạ tầng, xây dựng chỉnh trang khuân viên.

5. Phòng Tài nguyên và Môi trường

Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải theo quy chuẩn.

6. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Định hướng hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tập trung, chế biến sản phẩm thịt lợn sấy khô, thịt lợn chua đóng hộp, trồng hoa dã quỳ tạo thành điểm nhấn cho du lịch theo đề án.

7. Phòng Tài chính - Kế hoạch

Tham mưu đề xuất với Ban Thường vụ Huyện uỷ giải pháp huy động, lồng ghép các nguồn vốn.

Thẩm định những nhu cầu hỗ trợ cần thiết của đề án.

8. Công an huyện

Lập kế hoạch xây dựng hệ thống an ninh chính trị của thôn. Hướng dẫn hỗ trợ xây dựng thôn điểm về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

9. Các ngành chức năng trong Ban chỉ đạo chủ động xây dựng kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của ngành để hỗ trợ, giúp đỡ thôn Bản Noong, Bản Khén xã Lạc Nông.

10. Nguồn kinh phí thực hiện đề án

Từ ngân sách nhà nước, thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn Nhà nước, bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện như: Đường giao thông, cải tạo hang động, kênh mương, môi trường, hỗ trợ công trình phụ trợ homestay, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch...

Kinh phí huy động xã hội hoá, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng homestay gắn với xây dựng nông thôn mới. Huy động các hộ gia đình tham gia bằng ngày công lao động xây dựng các công trình trên địa bàn của thôn; vốn vay tín dụng.

II. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Đối với cấp huyện

Xây dựng hoàn chỉnh đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng kế hoạch bố trí các nguồn vốn triển khai đầu tư cho các hạng mục, giám sát việc triển khai thực hiện của các cơ quan chuyên môn, chỉ đạo UBND xã Lạc Nông báo cáo tiến độ thực hiện định kỳ.

2. Đối với UBND xã Lạc Nông

Tổ chức tuyên truyền các chế độ chính sách đầu tư của đề án đến với người dân trên quan điểm nội lực của nhân dân là chính; bám sát các nội dung đề án được phê duyệt để triển khai đảm bảo tính dân chủ, công khai đến nhân dân được biết và bàn bạc từng nội dung của đề án triển khai có hiệu quả, tránh áp đặt, quan liêu, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của nhân dân.

3. Đối với nhân dân thôn Bản Noong, Bản Khén

Chủ động thực hiện chỉnh trang nhà cửa của gia đình mình, xây dựng, nâng cấp nhà ở của gia đình mình, trồng cây xanh làm bờ rào của gia đình tạo cảnh quan bóng mát giữa các hộ gia đình, tập trung trồng hoa dã quỳ hai bên dường vào thôn, nâng cấp, cải tạo công trình vệ sinh tiêu chuẩn nông thôn mới, sửa sang cổng ngõ đẹp đẽ, khang trang, thân thiện với môi trường, đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, củng cố, khôi phục nghề truyền thống như rèn, dệt, thêu...

Trên đây là đề án xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gẳn với xây dựng nông thôn mới Bản Khén, Bản Noong xã Lạc Nông.

 

Nội dung chi tiết tải về theo đường dẫn sau:

- Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 26/6/2018 của HĐND huyện Bắc Mê về việc phê duyệt Đề án xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Bản Khén, Bản Noong xã Lạc Nông;

- Đề án và dự toán kinh phí thực hiện Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 11/7/2018 của UBND huyện Bắc Mê về xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Bản Khén, Bản Noong xã Lạc Nông.


Tin khác

Thống kê truy cập