Kinh tế

Vai trò của chợ nông thôn với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Bắc Mê

03/05/2017 00:00 289 lượt xem

Hiện nay, khi mạng lưới cửa hàng tự chọn, siêu thị mini xuất hiện ngày càng nhiều và phát triển mạnh ở huyện Bắc Mê, mặc dù vẫn có tầm quan trọng trong sinh hoạt của người dân, nhưng không thể thay thế được chợ truyền thống. Không vì thế mà chợ phiên nông thôn ở đây mất đi vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, giải quyết việc làm và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Bắc Mê là huyện vùng xa của tỉnh với 13 đơn vị hành chính (12 xã,1 thị trấn), 139 thôn bản, tổ dân phố. Huyện có địa bàn rộng, dân số đông, nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân được xếp vào mức tương đối cao so với các địa phương khác trong tỉnh. Đến nay, huyện Bắc Mê có 11/13 xã, thị trấn đã có chợ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đa số các chợ hoạt động 1 phiên/tuần và phát huy được hiệu quả. Qua đó, giúp bà con tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương. Hệ thống chợ nông thôn đã giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hóa, đưa quá trình giao thương nông thôn vào nề nếp. Mặt khác, các chợ này đã từng bước thay thế chợ tạm, hình thành tự phát, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, mở rộng đưa hàng hóa đến các vùng dân cư. Chúng tôi có dịp về xã Yên Cường vào đúng ngày diễn ra phiên chợ xã. Theo tìm hiểu được biết, mỗi phiên chợ có gần 1.000 lượt người tham gia trao đổi hàng hóa. Chợ nằm ngay trung tâm xã, nhưng không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong xã mà cả người dân các xã lân cận cũng đến tham gia mua, bán. Chợ có đầy đủ các mặt hàng, từ các mặt hàng tươi sống đến nông cụ phục vụ sản xuất... Hiện nay chợ đã có trên 40 gian hàng, trong đó có gần 30 gian hàng lợp phiprôximăng và lợp tôn, với tổng diện tích gần 1.000 m2. Theo như lãnh đạo xã cho biết: Yên Cường là xã có nhiều dân tộc cùng sinh sống với nhau, chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hoá mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của người dân quanh vùng. Trước đây khi chợ chưa được xây dựng, vào những ngày trời mưa, phiên chợ trở nên lầy lội, người bán hàng phải giúp nhau dựng lại cột, lợp lại mái. Nên người bán không được, người mua cũng chẳng vui. Kể từ khi xây dựng chợ như hiện nay thấy người đi chợ đông hơn hẳn, hàng hóa bán được nhiều hơn.

Bắc Mê tiếp giáp với rất nhiều xã khác của huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng; Huyện Lâm Bình và Na Hang của tỉnh Tuyên Quang và có tuyến đường lên huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và tuyến đường nối liền với thành phố Hà Giang, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, xây dựng các siêu thị mini, dịch vụ nên có tiềm năng dồi dào để bứt phá theo kịp xu thế phát triển của tỉnh. Hạ tầng giao thông của huyện được đầu tư khá đồng bộ, dân số đông, đời sống của người dân khá phát triển nên sức mua của thị trường tăng nhanh. Việc hình thành chợ tương đối đồng đều ở các vùng tạo điều kiện từng bước rút ngắn khoảng cách đời sống, KT-XH, với các huyện vùng thấp của tỉnh, phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, hệ thống chợ nông thôn ở Bắc Mê vẫn còn những tồn tại như: Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng ở các chợ xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, công trình phụ, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo. Kinh phí đầu tư xây dựng còn bất cập, chủ yếu nguồn vốn địa phương, vốn xã hội hóa không đáng kể...... Ðể chợ nông thôn phát huy được hiệu quả, cần chú trọng công tác quy hoạch chợ trong đó tính đến điều kiện kinh tế cũng như tập quán sinh hoạt của dân. Bên cạnh đó đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa. Đồng thời vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư xây dựng, lồng ghép với các dự án đầu tư của tỉnh để khai thác tối đa mọi nguồn lực.

Có thể nói sự phát triển đa dạng cả về quy mô và hình thức của hệ thống chợ nông thôn đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thương mại phát triển. Giúp cho việc kinh doanh phân phối hàng Việt về nông thôn thuận lợi hơn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư, khai thác các chợ theo đúng quy định của Nhà nước, góp phần quản lý, khai thác chợ hiệu quả, thúc đẩy giao thương trên địa bàn.


Tin khác

Thống kê truy cập