Lao động - Việc làm

Hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bắc Mê

20/09/2019 00:00 317 lượt xem

Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) với mục tiêu: Đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn... Qua gần 10 năm thực hiện, huyện Bắc Mê đã có nhiều cách làm hay, thiết thực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đề án 1956 ra đời trong hoàn cảnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Mê đang có sự chuyển dịch tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ đói nghèo, ổn định an sinh xã hội.

Nằm trong khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Mê có đặc điểm là đất tự nhiên rộng, nhưng bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, cho nên chủ yếu là đất đồi rừng, đất sản xuất nông nghiệp, dân cư  phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp. Đáng chú ý, lao động nông thôn chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, hầu hết chưa qua đào tạo. Triển khai Đề án 1956 của Chính Phủ, huyện Bắc Mê đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” từ huyện đến xã và xây dựng quy chế hoạt động để thực hiện. Huyện Bắc Mê đã ban hành các quyết định thành lập trung tâm dạy nghề, hàng năm rà soát số LĐNT có nhu cầu học nghề và xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể. Do vậy, nhiều LĐNT trong huyện được tham gia các lớp tập huấn, chương trình đào tạo nghề, chỉ từ năm 2016 đến nay, đã đào tạo nghề ngắn hạn dưới ba tháng cho gần 8 nghìn lao động nông thôn. Các nghề đào tạo chính gồm: lĩnh vực nông nghiệp như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây lương thực, thực phẩm; bảo vệ thực vật; chọn và nhân giống cây trồng; kỹ thuật trồng nấm, trồng rừng và các lĩnh vực phi nông nghiệp gồm: sửa chữa máy nông nghiệp; điện dân dụng; xây dựng….

 

Sau khi học nghề ông Đặng Văn Vinh thôn Thâm Quảng, xã Đường Âm áp dụng kỹ thuật vào phát triển trồng Hồi đem lại hiệu quả kinh tế

Nhằm tạo điều kiện cho lao động nông thôn có điều kiện tham gia học nghề, ngoài thực hiện nghiêm các chính sách của Nhà nước theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Bắc Mê, còn tổ chức lớp học nghề ngay tại các xã, giúp cho học viên thuận tiện trong việc ăn ở, đi lại. Hầu hết số lao động nông thôn sau khi học nghề ngắn hạn, làm việc đúng nghề ngay tại địa phương, biết áp dụng kiến thức để tạo việc làm, tăng thu nhập. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, người học nghề biết áp dụng kiến thức, khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng, thu nhập. Hiệu quả của đào tạo nghề nông thôn đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo. Do lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với truyền thống và nguyện vọng của người dân, cho nên hiệu quả từ các lớp học đạt rất cao. Sau khi được học nghề, bổ sung kiến thức áp dụng vào thực tế lao động sản xuất của mình, những học viên này, không chỉ áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, mà chính họ cũng trở thành những người hướng dẫn kỹ thuật cho cộng đồng. Sau học nghề, một bộ phận lao động nông thôn, áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập. Góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, tại các vùng nông thôn của huyện Bắc Mê.

 

 Lớp dạy nghề trồng rừng cho chị em phụ nữ tại xã Minh Sơn

Cái được của huyện Bắc Mê là nắm trúng nhu cầu của người học ở nông thôn để dạy nghề, không chạy theo giáo trình áp đặt. Chẳng hạn như, xuất phát từ đặc điểm của địa phương vừa công nhận nông thôn mới, xã Yên Định có nhiều loại dịch vụ phát triển, cùng với nhu cầu học nghề của người dân, nhất là lực lượng thanh niên về  nhu cầu học nghề sửa chữa máy nông nghiệp và lắp đặt điện dân dụng nông thôn để mở lớp. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2019. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Bắc Mê đã phối hợp với xã Yên Định, mở hai lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp và lắp đặt điện dân dụng tại địa phương với 70 học viên tham gia. Giúp các học viên tự sửa chữa các dụng cụ đồ điện dân dụng trong gia đình, có việc làm, có thu nhập ngay tại chỗ, không phải đi làm ăn xa.

Để giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, Cùng với đào tạo, giải quyết việc làm thông qua Đề án 1956 của Chính Phủ cho lao động nông thôn, với các cơ chế chính sách của tỉnh, huyện Bắc Mê còn bổ sung chính sách của địa phương, về xây dựng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo kế hoạch chỉ riêng năm 2019 phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 22 lớp nghề với 780 học viên là người lao động nông thôn. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình của các xã, thị trấn cũng như nhiều người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương.

 

Hiệu Nghề của anh Nông Văn Sinh, thôn Bản Loan, xã Yên Định

Hướng về cơ sở dạy nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc, giảm lý thuyết tăng thời gian học thực hành, với cách làm này hiệu quả từ việc dạy nghề lưu động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Bắc Mê, đã thu hút đông đảo học viên ở cơ sở tham gia học tập. Tại Huyện Bắc Mê, theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết, mỗi năm Trung tâm tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 1.000 lao động nông thôn, việc đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được thực hiện linh hoạt, căn cứ vào nhu cầu học nghề của người dân từng vùng, phù hợp với quy hoạch phân vùng, phát triển kinh tế của huyện và các chương trình nông nghiệp trọng tâm. Ngoài đào tạo các nghề truyền thống, thì trung tâm mở một số lớp đào tạo kỹ thuật đều chú trọng đến công tác đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn, gắn với địa chỉ sử dụng. Các nghề được đào tạo chủ yếu là về lĩnh vực nông lâm nghiệp, xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi.

 

Lớp dạy nghề trồng rau an toàn tại thôn Thum Khun xã Yên Phong

Có thể nói, Đề án 1956 của Chính Phủ ra đời, trong hoàn cảnh kinh tế nông nghiệp nông thôn huyện Bắc Mê đang có sự chuyển dịch tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ đói nghèo, ổn định an sinh xã hội ở địa phương. Thực tế cho thấy, khi đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mà gắn với ngành nghề người lao động quan tâm, thị trường lao động đang có nhu cầu thì đạt hiệu quả cao. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bắc Mê, có nhiều chuyển biến tích cực về xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dạy nghề ngày càng được khẳng định trong xã hội. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc thực hiện “chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

 

Giáo viên Trung tâm GDND - GDTX huyện trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn học viên học nghề

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Bắc Mê đã tạo điều kiện để nông dân nâng cao kiến thức, tiếp cận thông tin về kinh tế thị trường… Nhiều nông dân được học thêm nghề mới, tiếp cận các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và đã ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề ở cơ sở cũng được tỉnh, huyện quan tâm. Hệ thống đào tạo giúp lao động nông thôn, người nghèo, người dân tộc thiểu số… sau khi học nghề, phát huy kiến thức đã học, để tìm được việc làm tại chỗ tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bám sát vào chủ trương, đường lối của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo làm sao cho trúng, cho đúng, sát với thực tiễn nhu cầu học nghề của người lao động. Bên cạnh đó, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cũng tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các đoàn viên, hội viên; phối hợp dạy nghề cho hàng nghìn đoàn viên, hội viên là bộ đội xuất ngũ, người dân tộc thiểu số. Việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn ngay tại cơ sở, đã tạo điều kiện giúp nông dân theo học thuận lợi, đồng thời có thời gian phụ giúp gia đình; từ đó, ngày càng có thêm nhiều nông dân đăng ký tham tham gia học tập.

Lớp dạy nghề trồng Hồng không hạt cho đoàn viên thanh viên xã Giáp Trung

Một trong những cách làm hay mang lại hiệu quả trong công tác dạy nghề của huyện Bắc Mê là thực hiện mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, nhất ở các xã, vùng sâu, vùng xa. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức được các lớp đào tạo ngắn ngày, nhằm truyền đạt kỹ năng tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi hiệu quả. Triển khai Đề án dạy nghề của Chính Phủ, huyện Bắc Mê đã có nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả như: Trồng rau an toàn, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn. Trong quá trình đào tạo người học ngoài việc được dạy kỹ năng nghề, còn được cung cấp các kiến thức về môi trường, các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình an toàn sản xuất, cách thức sản xuất tiết kiệm kinh phí... Hiện nay, các mô hình này đã và đang thực hiện ở các xã nông thôn mới và nhiều xã trong huyện, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các lớp dạy nghề về trồng rau an toàn, cây màu đã tạo việc làm tại chỗ ở các địa phương, phong trào trồng rau sạch, quy vùng thâm canh phát triển ở nhiều xã như: Phú Nam, Yên Phong, Yên Cường, Đường Âm... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với các lớp học chăn nuôi, khi ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh làm “đệm lót sinh học” để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn, nuôi gà, kết quả cho thấy đàn lợn, đàn gà sinh trưởng phát triển tốt, an toàn dịch bệnh, môi trường không khí được cải thiện rõ rệt. Với ngành phi nông nghiệp như điện dân dụng, xây dựng dân dụng, sửa chữa máy nông cụ trong nông nghiệp... đều được bổ sung các chương trình gắn với thực hành, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị mang lại hiệu quả thiết thực cho lao động nông thôn trong quá trình sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Lớp dạy nghề trồng rau an toàn tại xã Đường Hồng

Bắc Mê là một huyện thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo thêm nhiều việc làm, năng xuất lao động và thu nhập đầu người tăng. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước quan tâm, đảm bảo, vì vậy đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong những năm qua, UBND huyện Bắc Mê đã chỉ đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và các cơ quan chuyên môn của huyện, nắm chắc nhu cầu học nghề của người lao động, rà soát đội ngũ lao động để có kế hoạch đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển. Trong đó huyện chú ý đến lực lượng lao động trong các ngành, lĩnh vực phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương. Huyện luôn quan tâm đến các đối tượng đào tạo nghề là bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn, con em gia đình chính sách, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Lớp dạy nghề lắp đặt điện nội thất mở tại thôn Nà Xá, xã Yên Định

Theo báo báo của Phòng lao động thương binh xã hội huyện Bắc Mê, đến nay số người trong độ tuổi lao động là 39.856 người, chiếm khoảng 70% dân số toàn huyện. Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt đào tạo, dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, giai đoạn 2010-2020, từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức trên 200 lớp nghề với hơn 8 nghìn học viên tham gia học tập. Kết quả tỷ lệ lao động qua đào tạo:

Năm
2010
2015
2016 2017 2018 Ước 2019 Mục tiêu 2020
Tỷ lệ LĐ qua đào tạo 17% 19,64% 22,76% 25,83% 28,86% 31,87% 34,85%

Có thể  khẳng định, công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa bàn huyện Bắc Mê trong những năm qua đã và đang góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giúp chuyển biến trong nhận thức của người dân về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để có hướng đi vững chắc trong đào tạo nghề cho lao động ngoog thôn, bảo đảm có hiệu quả, đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng của huyện, xã, thị trấn cần phải có chiến lược và kế hoạch dạy nghề lâu dài, bám sát nhu cầu của người lao động và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ðào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thị trường, bảo đảm người lao động sống được bằng nghề mà mình đã chọn. Theo đó, cần thay đổi nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tích cực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với tạo việc làm và định hướng nghề nghiệp. Đặc biệt, cần hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn cho học viên đầu tư, duy trì kiến thức đã học để áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, có cơ chế mở các ngành nghề để thu hút lao động địa phương tham gia, nhất là vấn đề giải quyết, giới  thiệu việc làm cho lao động sau khi được đào tạo nghề, dạy nghề. Có như vậy, công tác đào tạo, dạy nghề mới mang lại hiệu quả cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu vùng xa của huyện.


Tin khác

Thống kê truy cập