Di tích lịch sử, văn hóa

Di tích lịch sử Căng Bắc Mê

17/02/2017 00:00 1059 lượt xem

Nơi đây, trước năm 1939 là đồn binh của thực dân Pháp. Từ năm 1939 đến năm 1942 thực dân Pháp sử dụng làm nơi giam giữ các đồng chí cán bộ cách mạng Việt Nam, trong đó có hàng trăm đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặc dù bị gông cùm, kiểm soát gắt gao của chế độ nhà tù thực dân và khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng không làm các chiến sĩ cộng sản nhụt ý chí cách mạng. Tiêu biểu như các đồng chí: Xuân Thuỷ, Vọng Bình, Hoàng Hữu Nam, Hoàng Bắc Dũng, Trần Cung, Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu, Lê Giản, Hà Kế Tấn, Lương Nhân, Trần Các và nhiều đồng chí khác... Các đồng chí đó vẫn tìm mọi cách để vận động, đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong căng, dạy văn hoá, bồi dưỡng cho nhau về tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng, tranh thủ giác ngộ thanh niên, quần chúng ở trong và ngoài căng. Những hoạt động đó đã tác động tích cực đến tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân các dân tộc quanh vùng. Cuối năm 1942, lo sợ trước phong trào cách mạng đang lan rộng ở các tỉnh biên giới và cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị ở căng Bắc Mê, thực dân Pháp phải chuyển những tù nhân ở đây đi giam giữ nơi khác.

“Căng” là từ được phiên âm từ chữ Canseme trong tiếng Pháp nghĩa là đồn binh, trại lính. Căng Bắc Mê nằm ở sườn núi Rồng (tiếng Tày địa phương gọi là “Phù Luồng”) thuộc địa phận thôn Cốc Phát, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, cách thành phố Hà Giang 64 km về phía Đông. Địa thế khu vực Căng rất trọng yếu, xung quanh là núi cao, rừng già, nó được thực dân Pháp xây dựng nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến đường độc đạo nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang.

Ban đầu, Căng Bắc Mê là đồn binh của Pháp, năm 1939, khi phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ thì thực dân Pháp biến nơi đồn trú thành nhà tù giam giữ những tù nhân chính trị bị đưa từ Sơn LaHoả LòPhú Thọ lên. Sau khi chuyển đổi từ đồn binh thành nhà tù, thực dân Pháp đã cho mở rộng, xây dựng thêm nhà ở, bốt gác, tường rào để giam giữ tù nhân, củng cố thêm nhà bang tá (cơ quan hành chính địa phương). Trong khu vực khuôn viên Căng có 2 bốt gác, 2 nhà giam, 1 phòng giam đặc biệt, 1 nhà làm việc trung tâm, nhà trực, nhà ở của đồn trưởng, nhà bếp, nhà kho chứa lương thực và vũ khí đạn dược, tiếp đó là nhà thông tin điện đài, nhà ở của lính kiêm bốt gác và công trình phụ. Lúc này, quân số của Căng Bắc Mê khoảng 1 đại đội lính khố xanh và một số cai đội người địa phương.

Trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến năm 1942, thực dân Pháp đã 2 lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây với số lượng khoảng hơn 300 người, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như các đồng chí Xuân Thuỷ, Vọng Bình, Hoàng Hữu Nam, Hà Kế Tấn, Trần Cung, Lương Nhân, Trần Các, Lê Giản, nhà văn Nguyên Hồng..., có nhiều đồng chí sau này giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và một số chức vụ quan trọng khác.

Ngoại trừ một số tù chính trị mà thực dân Pháp coi là đặc biệt nguy hiểm, bị giam ở phòng tối, còn lại hầu hết tù nhân ở đây bị bắt lao động khổ sai như xúc cát sỏi, phá đá, nung vôi, làm gạch ngói để xây dựng nhà cửa, bốt gác, phòng giam để giam giữ chính mình. Mặc dù bị bắt phải lao động cực nhọc, ăn uống thì kham khổ, nhưng không làm các chiến sĩ cộng sản nhụt trí. Các đồng chí đã thành lập một chi bộ trong nhà tù do đồng chí Trần Hiệu làm Bí thư. Chi bộ đã vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong Căng, dạy văn hoá để bồi dưỡng cho nhau về tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng, đồng thời tranh thủ giác ngộ quần chúng trong và ngoài Căng làm cho bọn cai ngục phải kiêng nể.

Cuối năm 1942, thực dân Pháp phải giải tán Căng Bắc Mê. Từ năm 1943 tới tháng 8/1945, Căng Bắc Mê trở lại là đồn biên phòng. Năm 1992 Căng Bắc Mê được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá.

Trải qua thăng trầm của thời gian, hiện Căng đã bị hư hỏng nhiều và đã được trùng tu lại nhiều lần. Dẫu vậy, nơi đây vẫn còn nguyên những giá trị lớn lao về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sang hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của các thế hệ cha ông.

Sau đây là một số hình ảnh về di tích lịch sử Căng Bắc Mê:


Tin khác

Thống kê truy cập